.

Đưa hàng sang nước bạn

.

So với một số quốc gia láng giềng khác, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng vào Lào vẫn còn khá ít. Gần đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn ở một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu… đã tính toán đến việc chuyển hướng sang thị trường Lào vốn được xem là thị trường nhỏ nhưng có nhiều tiềm năng.

Hàng của doanh nghiệp Đà Nẵng qua mỗi kỳ Hội chợ tại Lào được đánh giá rất cao.
Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, Tổng Lãnh sự  quán Lào và Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào luôn có những thông tin tạo điều kiện để các DN địa phương có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Lào. Chính phủ Lào đã có nhiều động thái tích cực hỗ trợ hàng hóa Việt Nam được thông thương bằng cách đơn giản hóa các thủ tục, giấy phép nhập khẩu…

Trước đây, sự hiện diện của hàng hóa Đà Nẵng tại Lào còn rất ít và không gây ấn tượng nhiều đối với người dân địa phương (hàng Việt mới chỉ chiếm 5% trong khi hàng Thái chiếm trên 60%). Với đặc điểm DN của Đà Nẵng quy mô nhỏ, thương hiệu chưa đủ mạnh để có thể cạnh tranh với hàng của Trung Quốc và Thái Lan, thế nhưng Đà Nẵng có thủy-hải sản, thuốc lá, thực phẩm khô, dược phẩm, nhựa, máy bơm nước, thiết bị nội thất… là những mặt hàng khá được ưa chuộng tại đây.

Nhiều năm qua, Đà Nẵng có các DN xuất khẩu tốt như Công ty Phước Tiến, Công ty CP Dược phẩm Danapha, Công ty Nhựa Nhất Vinh, Công ty Gốm sứ Cosevco, Phước Thái, Vạn Lực,  Phát Thành, Thanh Nga… gầy dựng được hình ảnh của mình tại Lào. Xu hướng giảm dần các loại hàng hóa của Thái Lan và quay sang dùng hàng Việt của Việt kiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa của Đà Nẵng thâm nhập sâu hơn quốc gia này. Tuy có lợi thế, nhưng bằng con đường tiểu ngạch, nhiều DN chỉ mới có thể xuất hàng với số lượng chưa nhiều, cự ly xa, chi phí vận chuyển cao, khiến giá bán tăng hơn hẳn so với hàng Thái.

“Qua mấy mùa làm ăn, việc đi lại cũng như mối quan hệ giữa hai bên đã trở nên thân thiết, có khi chúng tôi không cần giao hàng trực tiếp mà chỉ cần gửi bằng bưu kiện hoặc ô-tô ký gửi cho các đại lý của mình bên đó. Việc thanh toán đã có giao ước từ trước, khi nhận đủ sẽ thanh toán hoặc chừng nào bán xong hàng họ mới chuyển tiền cho mình”, anh Lê Công Dũng, một người có 14 năm sống tại tỉnh Pakse kể về việc buôn bán của anh với các bạn hàng Lào như vậy.
 
Đối với những chủ hàng như anh Dũng, việc tạo dựng mối quan hệ với người dân cũng như các đại lý nước sở tại không quá khó khăn. Đầu tiên là việc thiết lập cơ sở, thăm dò thị trường, tìm hiểu nhu cầu và tạo  tính cạnh tranh đối với các loại hàng hóa khác, kể cả cạnh tranh giữa các “ông chủ” với nhau (hàng của anh đưa từ Huế, Đà Nẵng, qua Lao Bảo vào Pakse).

Thông qua những người Việt buôn bán lâu năm tại Lào thì “Cái dở của các sản phẩm Việt Nam là nhãn mác bao bì. Trong khi cùng một sản phẩm nhưng nhãn hàng của Thái Lan và Trung Quốc bao giờ cũng chú trọng đến nhãn phụ bằng tiếng bản địa”. Điều này rất ít DN nhỏ chịu khó đầu tư - để người dân Lào nhận diện được mặt hàng của Việt Nam cũng như thông tin trên sản phẩm. Với sản phẩm không có thương hiệu, sức tiêu thụ tại những địa bàn lớn như Viêng Chăn không nhiều, nhưng tại các tỉnh lẻ thì chỉ dựa vào thói quen. Kinh nghiệm in nhãn trên bao bì thực phẩm chế biến của Trung Quốc bao giờ cũng có ít nhất 3 loại chữ: Trung Quốc, Anh và Lào.

Là người làm công tác xúc tiến thương mại nhiều năm của Sở Thương mại (nay là Sở Công thương), ông Lê Viết Tươi nhìn nhận: Điểm yếu của các DN là khi đi chào hàng lần đầu tiên thì mang hàng tốt, khi đã chiếm được vị trí cũng như tình cảm của người tiêu dùng rồi thì những lần sau lại mang hàng kém chất lượng hơn. Cho dù Lào không phải là thị trường khó tính nhưng với cách làm ăn mất uy tín đã làm thiệt hại lớn đến chính DN Việt. Năm 2009, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công thương có nhiều danh mục, trong đó có việc tổ chức cho các DN tham gia Hội chợ Triển lãm tại các nước cận Lào như Campuchia, Thái Lan, chắc chắn hàng hóa của nhiều DN sẽ có cơ hội đến với Lào nhiều hơn.
 
Theo anh Nguyễn Văn Bình, chuyên viên của Trung tâm Xúc tiến thương mại, ngoài các tỉnh có tiềm năng như Viêng Chăn, Pakse, Savanakhet, thì các tỉnh nghèo của Lào như Sêkông, Salavan còn bị bỏ ngỏ. Sắp tới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức chuyến làm việc và khảo sát với các địa phương nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, trong đó có tỉnh Savanakhet với vùng diện tích lớn nhất của Lào và dân số đông, là cửa ngõ đi thị trường đông bắc Thái Lan, sẽ là cơ hội để nhiều DN của Đà Nẵng đầu tư buôn bán tại đây.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.