.

Giải pháp nào cho kinh tế và xã hội?

.

Công nghiệp vẫn gặp khó khăn khi giá trị sản xuất trong quý 1-2009 giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2008; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 9,3%. Trong khi đó, tỷ lệ người nghèo theo chuẩn mới của thành phố tăng lên 19,26% so với con số 1,77% (chuẩn cũ) kéo theo những khoản chi xã hội khác. Tình trạng mất việc làm gia tăng với con số ban đầu hơn 2.500 lao động... Đó là những khó khăn cơ bản phải đối mặt trong thời gian tới của thành phố. Những giải pháp để vượt khó đã được đề ra, cho cả phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Công nghiệp giảm, bán lẻ tăng

Cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn tái sản xuất, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao để vượt qua khó khăn.

Ngay từ những ngày ra quân sản xuất đầu năm nay, theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3, đã dự báo ngành dệt may trong năm nay có khả năng đơn hàng giảm 30% trong tình hình suy thoái chung.
 
Tuy nhiên, một khách hàng lớn là Paceman (Hoa Kỳ) đã cắt vĩnh viễn đặt hàng 3 công ty ở thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia để đẩy mạnh đặt hàng cho công ty này trong 5 tháng đầu năm với khối lượng trên 1,5 triệu quần Âu có tổng trị giá gần 10 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ thế, sản xuất của công ty vẫn được duy trì, ngoài ra còn tuyển dụng thêm trên 200 công nhân để đáp ứng với nhu cầu kế hoạch tăng thêm này.

Thế nhưng, không phải nhờ thế mà tình hình dệt may cũng như công nghiệp Đà Nẵng trong 3 tháng đầu năm nay có phần khởi sắc. Do việc thị trường thu hẹp, những thị trường lớn truyền thống cắt giảm nhu cầu... đã làm cho dệt may nói riêng và công nghiệp nói chung trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn lớn, thể hiện qua giá trị sản xuất không ngừng giảm sút.

Nếu tính riêng từng ngành, thì xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 27,1 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ 2008; thủy sản đông lạnh giảm 10,8%; cà phê giảm 76%; đồ chơi trẻ em giảm 28,3%...; kéo theo giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước thực hiện 167,7 triệu USD, giảm 9,3% và chỉ bằng 15,4% kế hoạch (KH).

Điều đó cũng giải thích việc giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, giảm 13,7%; trong đó công nghiệp Trung ương giảm 16,5%, quốc doanh địa phương giảm 57%,  có vốn đầu tư nước ngoài giảm 18,8% và công nghiệp dân doanh giảm ít nhất với 3,3%. Trong tình hình đó, đã có 5 doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động, kéo theo khoảng 2.500 lao động bị mất việc; trong khi cả thành phố chỉ giải quyết việc làm mới cho khoảng 4.800 lao động trong các thành phần kinh tế, đạt 13,8% KH...

Giải thích về lý do giá trị kim ngạch xuất khẩu giảm, như trong ngành dệt may giảm mạnh, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương đưa ra so sánh, nếu như năm 2007 có đến 70% lượng hàng hóa có giá trị cao, thì trong 3 tháng đầu năm nay lại đảo chiều với 70% hàng hóa có giá trị thấp; trong khi giá lại giảm 10-20%.

Ông Phùng Tấn Viết, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư thì cho rằng, hiện có đến 80% sản phẩm của thành phố đều có nguồn nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất chủ yếu là gia công nên bị ảnh hưởng nặng của khủng hoảng kinh tế thế giới, điều đó dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp giảm mạnh.

Thế nhưng, đã có dấu hiệu cho thấy những tia sáng của phát triển kinh tế thành phố trong những tháng đầu năm. Trong khi cả nước GDP tăng 3,1%, thì con số này ở Đà Nẵng trong quý 1 tăng 4,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt hơn 4,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ; doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 151 tỷ đồng, tăng 21,4%; tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại tăng 2,4% so với tháng 2 với giá trị huy động ước đạt 21,5 nghìn tỷ đồng...

Đặc biệt, thực hiện gói kích cầu của Chính phủ, thành phố đã giải quyết cho 1.620 hồ sơ doanh nghiệp và 312 hộ được vay hỗ trợ lãi suất với dư nợ ước thực hiện trên 3,6 nghìn tỷ đồng, lãi hỗ trợ trên 2,7 tỷ đồng. Mặc dù tình hình kinh tế chung gặp khó khăn, nhưng thu hút đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục có chuyển biến khá qua việc 517 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký ước đạt 762 tỷ đồng và 9 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đầu tư 149,6 triệu USD, tăng gấp 9,35 lần so với cùng kỳ 2008...

Hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội

Trong khó khăn, một số doanh nghiệp của Đà Nẵng vẫn đầu tư mở rộng hoạt động.TRONG ẢNH: Nhà máy Bia VBL Đà Nẵng nâng công suất từ 40 triệu lít lên 52,5 triệu lít/năm

Những khó khăn trong 3 tháng đầu năm dự báo sẽ tiếp tục diễn ra không chỉ trong quý 2 mà cả một thời gian dài. Vì thế, những giải pháp cần phải được đưa ra và thực hiện một cách đồng bộ, có tính lâu dài nhưng cũng có lộ trình điều chỉnh hợp lý theo từng giai đoạn. Theo ông Phan Văn Kha, trước mắt, cần phải phối hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực sự được tiếp cận hiệu quả với nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu của Chính phủ; trong đó có sự đầu tư tập trung cho các doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất như:

Nhà máy Dệt Phong Phú, động cơ điện số 3 Mabuchi, dược phẩm Danapha, mở rộng nhà máy bia VBL, sản xuất dây cáp điện Tân Cường Thành... Bên cạnh gói kích cầu của Chính phủ, thành phố cũng mạnh dạn giải quyết nhanh cho khoảng 20 doanh nghiệp được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển của thành phố với mức ưu đãi; bởi hiện nay đang có nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận cả hai nguồn vốn này.

Cùng với đó, một giải pháp để gỡ rối cho xuất khẩu sụt giảm là quay trở lại “sân nhà” của các doanh nghiệp; trong đó vai trò quản lý Nhà nước là quy hoạch lại mạng lưới bán buôn, bán lẻ, làng nghề... để tiêu thụ hàng hóa sản xuất trên địa bàn một cách hiệu quả hơn. Dấu hiệu của tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 18% so cùng kỳ được xem là cơ sở để tin tưởng vào sự trở lại này.
 
Thế nhưng, một khuyến cáo được đưa ra là để tiêu thụ được ở thị trường nội địa, các sản phẩm phải đạt chất lượng tương đương trong xu thế cạnh tranh hàng ngoại gay gắt hiện nay, đồng thời tư duy về kinh doanh trên thị trường này cần phải được thay đổi để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, chứ không phải đơn thuần nương nhờ vào các biện pháp chính quyền. Theo ông Kha thì công tác quản lý thị trường sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới, nhằm bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, chống đầu cơ buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là việc lợi dụng tình hình tăng lương và tăng giá xăng để tăng giá các mặt hàng thiết yếu...

Đồng tình với những giải pháp đó, ông Phùng Tấn Viết cũng đề nghị cần có giải pháp tích cực nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Đó là nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh các công trình đã khởi công và tiếp tục khởi công những công trình trọng điểm, thực hiện tốt việc giải ngân; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kích thích tiêu dùng... thông qua việc mở rộng diện hỗ trợ cho dự án mới, tái đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ một phần chi phí cho doanh nghiệp đào tạo nghề chất lượng cao hoặc thuê chuyên gia tư vấn tái cơ cấu sản xuất; khuyến khích sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn một cách hợp lý...

Cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh tế, thì những vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cũng được thành phố đặt ra để giải quyết, nhất là trước việc số hộ nghèo đã tăng lên 19,26% do thực hiện chuẩn nghèo mới. Việc tăng số hộ nghèo đã kéo theo những khoản đầu tư xã hội khác như y tế, giáo dục, công trình dân sinh... tăng lên đáng kể, trong khi tổng nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến nay chỉ ước đạt hơn 1.440 tỷ đồng, bằng 20,67% dự toán.

Ngoài ra, tình trạng gia tăng số lao động mất việc trong khi giải quyết việc làm mới, nhất là ở khối doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn, cũng là vấn đề cần bàn đến. Để giải quyết căn cơ những vấn đề này, các đơn vị, địa phương của thành phố đang triển khai khảo sát và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm giúp đỡ kịp thời cho lao động mất việc, các gia đình đặc biệt khó khăn, học sinh bỏ học, thiếu niên vi phạm pháp luật và ngăn ngừa tệ nạn ma túy.

Theo con số chưa chính thức, qua khảo sát hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 1 nghìn hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần 600 học sinh bỏ học và hơn 500 thiếu niên vi phạm pháp luật. Những con số này đang được kiểm tra, rà soát và những giải pháp ban đầu cũng đã được các địa phương và ngành chức năng triển khai, nhằm đem lại những dấu hiệu sáng sủa hơn trong việc bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế...

Bài và ảnh: ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.