.

Giải pháp trong khó khăn

.

Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp (DN) lớn vốn chưa thoát khỏi cảnh lao đao, DN vừa và nhỏ lại càng khốn đốn. Chờ phao cứu trợ từ phía Chính phủ hay tự cứu lấy mình? Trong thời gian qua, nhiều DN Đà Nẵng đã chọn cách thứ hai, dù thực tế là không dễ...

Gầy dựng 10 năm, mất trong vài tháng

Nhiều DN mong được hỗ trợ từ gói kích cầu của Chính phủ.

Để sản phẩm có chỗ đứng ở những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Âu, nhiều DN quy mô nhỏ tốn khá nhiều tiền bạc, thời gian và công sức thông qua các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, hội chợ nước ngoài nhằm tìm kiếm các bạn hàng. Hợp đồng mới ký kết được vài phiên, trong một thời gian ngắn, hàng loạt đối tác thông báo ngưng đơn đặt hàng vì lý do cuộc khủng hoảng toàn cầu đã ảnh hưởng đến thị trường vốn ổn định lâu nay.

Báo cáo xuất khẩu quý 1-2009 của Sở Công thương cho biết, nhiều DN có thế mạnh trên lĩnh vực chế biến và kinh doanh thủy hải sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ của Đà Nẵng đến nay đã không còn giữ được vị trí chủ lực trong xuất khẩu. Còn nhớ thời điểm năm 2008, trên thị trường tiền tệ đột ngột khan hiếm đồng USD, khiến tỷ giá đồng USD vượt lên khá mạnh so với tiền đồng. Nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu rơi vào cảnh khốn khó khi phải mua USD tại thị trường tự do với giá rất cao để thanh toán những hợp đồng đã ký kết.

Thị trường trong nước giảm sút, doanh thu thụt lùi... và bài toán làm sao để tồn tại đang là nỗi trăn trở của không ít những người làm kinh doanh. Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Phước Tiến đã không giấu được vẻ buồn khi phát biểu với đại diện Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) rằng: “Chỉ trong vài tháng đã mất đi những gì DN kiếm được trong 10 năm...”.

Giải pháp “xắn tay áo”

“Chúng tôi có mặt nơi khách hàng cần”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế đã cho biết như vậy khi sản phẩm của công ty tự tin bước vào hàng loạt các siêu thị lớn trong nước. Đầu tiên là BigC và kế hoạch tiếp đến là bạn hàng của các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam như Metro, Maximark, Coop Mark,Vinatex. Sẽ rất khó để gặp vị giám đốc này, vì ông liên tục di chuyển trong và ngoài nước như con thoi. Có thắc mắc, ông trả lời: “Thì phải chịu khó đi tìm thị trường, chứ trong bối cảnh khó khăn như hiện nay mà ngồi một chỗ chờ các đơn đặt hàng tự đến thì có mà đóng cửa nhà xưởng”.

Cũng giống như nhiều DN có khả năng vận động khác, Ban lãnh đạo Công ty TNHH Thắng Thịnh Thành, một DN sản xuất và kinh doanh gà, trứng gà vào loại lớn tại Đà Nẵng đã vất vả ngược xuôi tìm kiếm các giải pháp. Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Phòng Kinh doanh của công ty tâm sự: “Nhiều lúc thấy giám đốc của mình vất vả quá, giữa trưa nắng phải ra trang trại tự tay chăm sóc cho từng con gà, quả trứng vì chúng là toàn bộ vốn liếng của DN.
 
Bản thân mình có khi vừa làm công việc sổ sách, vừa xắn tay áo đảm đương luôn các vị trí khác như đếm số lượng trứng và đóng gói từng quả vào hộp. Nếu như trước đây, công ty chỉ cung cấp trứng cho nhà bán lẻ và để tự họ làm công việc trưng bày và tổ chức hoạt động khuyến mãi, thì bây giờ nhà cung cấp phải trực tiếp giúp siêu thị bán hàng như thế nào để đạt hiệu quả”.

Hiện tại, dù tình hình kinh doanh của một số DN trên địa bàn tương đối ổn định nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao trong khi giá thành vẫn giữ nguyên. Hơn nữa từ tháng 3, giá điện đã được Chính phủ điều chỉnh tăng, hầu hết các DN buộc phải cắt giảm những chi phí không cần thiết bằng cách “xắn tay áo” vào làm; đồng thời xây dựng mối quan hệ với các khách hàng trong và ngoài nước thông qua các thị trường truyền thống và mở rộng.

Môi trường kinh doanh liệu có sáng sủa trong thời gian tới hay không, các chuyên gia kinh tế trong nước đã phân tích. Nhưng điều mà các DN đã làm hiện nay là đối mặt với khó khăn và đi tìm cửa thoát hiểm. Những giải pháp mà các DN đã và đang làm ít nhiều đã hiệu chỉnh kịp thời nhằm vực dậy sự suy thoái về kinh tế.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.