Sau gần 3 tháng triển khai gói kích cầu hỗ trợ lãi suất (LS) theo Quyết định 131 của Thủ tưởng Chính Phủ, đến thời điểm này, các ngân hàng (NH) tại Đà Nẵng đã giải ngân cho DN, hộ sản xuất, cá nhân… vay vốn hơn 5.100 tỷ đồng để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy vậy trên thực tế, có không ít DN còn ngần ngại vay vốn hỗ trợ vì “sợ” thời gian hỗ trợ ngắn, kinh doanh không hiệu quả… Nhưng khi gói kích cầu thứ 2 được triển khai, đã có không ít DN lên kế hoạch vay vốn để đầu tư cho các dự án kinh doanh mới.
Cú hích cho DN phát triển
Nếu DN và NH “xích” lại gần nhau sẽ tạo sức bật cho các chính sách kích cầu của Chính phủ phát huy hiệu quả. |
Và có thể khẳng định rằng, việc triển khai gói kích cầu thứ hai này sẽ là sự hỗ trợ tích cực cho gói kích cầu thứ nhất và hoàn chỉnh hơn chủ trương chống suy giảm kinh tế. Khi chương trình hỗ trợ LS 4%/năm cho các khoản vay vốn ngắn hạn (thời gian tối đa 8 tháng) được triển khai, nhiều DN còn e dè vay vốn để mở rộng kinh doanh, thế nhưng khi gói kích cầu thứ hai được thực hiện với thời hạn vay vốn hỗ trợ dài hơn, đối tượng được hỗ trợ mở rộng hơn sẽ thực sự “mở đường” cho các DN phát triển và giải quyết những khó khăn cho các dự án đang thiếu vốn ở những vùng nông thôn, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng... trên cả nước.
DN vẫn còn băn khoăn
Theo các DN, mặc dù sự hỗ trợ LS 4%/năm cho các khoản vay vốn ngắn hạn trong thời gian qua chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhiều DN, nhưng chính sách kích cầu của Chính phủ đã tạo nên sức mạnh tinh thần cho DN trong thời điểm phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay. Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng cho biết: Sau khi Chính phủ có chính sách triển khai gói kích cầu thứ hai, chúng tôi đã có thông báo hướng dẫn đến các DN hội viên về thủ tục vay vốn tại gói kích cầu này.
Nhưng theo ông Trần Phi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Đà Nẵng, hiện công ty đang có ý định đầu tư một số dự án mới nhằm phát triển DN, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Nhưng trăn trở cho việc đầu tư dự án hiện nay là do chính sách hỗ trợ vốn vay trong gói kích cầu thứ hai có thời gian hỗ trợ ngắn. “Để đầu tư một dự án mang lại hiệu quả kinh tế, ít nhất DN phải cần thời gian từ 4-6 năm, nhưng LS cho vay hỗ trợ vốn trung và dài hạn chỉ được áp dụng thời gian tối đa 24 tháng.
Như vậy, nếu DN không đủ mạnh về tài chính sẽ không dám vay vốn để đầu tư dự án mới. Riêng gói kích cầu hỗ trợ vốn ngắn hạn vừa qua, DN chúng tôi đã làm thủ tục vay hơn 80 tỷ đồng (trong đó 30 tỷ vốn vay phát triển kinh doanh nội địa, 50 tỷ đồng vốn vay phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu). Nhờ có LS được hỗ trợ nên DN vẫn duy trì được lượng hàng hóa xuất khẩu và đẩy mạnh thị trường trong nước”, ông Phi cho hay.
NH lại quá cẩn trọng?
Theo ông Phạm Tấn Củng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng, trong thời điểm sức mua yếu thì việc được hỗ trợ vốn vay không phải là yếu tố quyết định đến sự phát triển của DN, mà vấn đề đặt ra ở đây là các DN có tìm kiếm và mở rộng được thị trường tiêu thụ hàng hóa hay không? Cũng vì nguyên nhân này nên hiện một số DN vẫn còn đang phân vân, thậm chí có nhiều DN không mặn mà vay vốn hỗ trợ LS.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc các NH cẩn trọng trong việc cho vay vốn hỗ trợ LS một phần là do nền kinh tế đang có những tác động xấu do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Yếu tố này đã trực tiếp tác động đến tâm lý cẩn trọng chung của NH trong những khoản cho vay để bảo đảm khả năng an toàn về nguồn vốn. Để cầu nối giữa DN và NH “xích” lại gần nhau hơn, thiết nghĩ các NH nên tiếp cận cụ thể đến từng khách hàng có nhu cầu vay vốn.
Qua đó, các NH sẽ phân tích và nhìn nhận được thực lực của DN để quyết định có nên giải ngân cho vay hay không? Tuy nhiên, về phía DN cũng cần phải sử dụng vốn vay đúng mục đích và đưa ra được những phương án kinh doanh cụ thể. Nói tóm lại, nếu NH và DN có sự hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhau trong hoạt động kinh doanh thì cả hai phía đều được hưởng lợi ích.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG