Từ ngày 30-6-2008, sau khi 5 xã cuối cùng với gần 14.500 hộ dùng điện trên địa bàn được “xóa bán tổng” – cách gọi tắt của việc thi công xóa bán điện qua công-tơ tổng do các HTX quản lý, Đà Nẵng chính thức không còn giá bán điện nông thôn mà thống nhất theo giá bán lẻ trên toàn thành phố. Từ đó, cả bên mua điện (ở đây là người dân nông thôn) và bên bán điện đều cùng hướng tới một mục đích mới: tiết kiệm điện.
“Bật lên là đỏ ngay”
Các buổi ký kết hợp đồng mua bán điện là cơ hội để ngành điện tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. |
Đầu năm 2009, anh Đặng Dân, nguyên phó trưởng thôn Túy Loan Đông 1, tập hợp 16 hộ làm đơn đề nghị ngành điện dịch chuyển công-tơ điện của các hộ về gần nhà để vừa an toàn điện, vừa tiết kiệm điện cho các hộ do giảm tổn thất điện năng sau công-tơ. Xét thấy đây là yêu cầu chính đáng của khách hàng, Điện lực Đà Nẵng đã giao cho Chi nhánh Điện lực 4 khảo sát và lên phương án cải tạo lưới điện thêm lần nữa cho bà con. Trồng thêm 3 trụ mới, kéo thêm gần 200 mét dây đúng chuẩn, đưa công-tơ đến từng hộ, trừ một vài hộ ở quá xa trụ điện cuối cùng, công việc đã nhanh chóng hoàn tất trong sự hài lòng của người dân.
Ông Lê Tấn Sỹ, Trưởng Chi nhánh Điện lực 4 cho biết, sau khi “xóa bán tổng”, việc cải tạo lưới điện sau công-tơ của khách hàng nói trên là một trong những giải pháp nhằm hiện thực hóa chủ trương tiết kiệm điện của ngành. Thời gian qua, đã có hơn 300 công-tơ điện trên địa bàn quản lý của Chi nhánh được dịch chuyển đến gần với khách hàng, khoảng cách xa nhất phải cấy thêm lưới và trồng thêm trụ điện là 600 mét. Cũng theo ông Sỹ, về vấn đề này, hiện vẫn còn hơn 10 đơn thư của các nhóm khách hàng đang “xếp hàng” để được giải quyết.
“Xóa bán tổng” cũng được Chi nhánh Điện lực 2 triển khai trong năm 2008 cho gần 6.500 hộ dùng điện tại hai xã Hòa Sơn và Hòa Liên – nơi dân cư còn thưa thớt. Hiệu quả mang lại sau khi lưới điện đạt chuẩn là giá bán điện bình quân trên địa bàn tăng gần 300đ/kWh, tổn thất điện năng trên lưới điện giảm bình quân 12,09% - Phó Chi nhánh Nguyễn Văn Sơn lạc quan.
Người mua điện cũng sẽ được lợi nhiều hơn, như lời anh Đặng Dân: “Hồi trước, ăn đèn ngủ điện, chừ bật đèn tuýp lên là đỏ ngay, không còn chớp chớp liên tục, tiền điện mỗi tháng cũng giảm được hơn chục nghìn đồng. Nhưng cái dễ thấy nhất là không còn đống dây bùng nhùng, nhiều sợi bị lột vỏ nhựa, vừa mất mỹ quan, vừa không an toàn. Nhiều khi mất điện mấy ngày chỉ vì gió thổi làm dây điện chập vào ngọn tre”.
Hàng rào inox và đèn compact
Bảng so sánh điện năng tiêu thụ giữa đèn tiết kiệm điện và đèn sợi đốt được in ngay trên bao bì đèn compact. |
Để mọi người có thể tận mắt thấy được sự “lợi hại” của loại bóng đèn tiết kiệm điện mới so với loại đèn “đốt tiền” này, các chi nhánh điện đã thông tin đến các xã và đưa đèn compact về các thôn lắp thí điểm cho mọi người coi thử đèn sáng ra sao, tốn điện như thế nào. Đèn compact công suất lớn nhất hiện nay cũng chỉ 25W, nhưng có độ sáng không kém gì đèn sợi đốt 100W. Thêm vào đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân ngày càng ý thức hơn về tiết kiệm điện.
Lần đầu tiên người dân Đà Nẵng biết đến đèn compact là vào cuối năm 2005. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Kinh doanh và Điện nông thôn (Điện lực Đà Nẵng), lúc đầu loại đèn tiết kiệm điện này không đến tay người dân. Để khuyến khích, vận động người dân dùng đèn compact, đợt đầu ngành điện hỗ trợ giảm giá 50% đối với đèn ngoại nhập.
Nay trong nước đã sản xuất được đèn compact nhãn hiệu Điện Quang và Philips giá bán thấp hơn thị trường - ông Chính khẳng định. Ví dụ, nếu đèn compact Điện Quang bán ngoài thị trường 28 nghìn/bóng thì đèn compact Điện Quang liên kết với EVN bán chỉ 24 nghìn. Năm rồi, cả thành phố bán được 60.030 đèn compact, năm nay ngành điện nhận kế hoạch bán tiếp 45 nghìn bóng.
Tuy nhiên, so với đèn sợi đốt, giá bóng đèn compact hiện vẫn còn cao, dù đã được EVN ít nhiều bảo trợ giá. Các đại lý của EVN cho rằng bóng đèn compact của EVN có chất lượng, tuổi thọ cao, có bảo hành nên không thể bán giá quá thấp được.
Người dân nông thôn mỗi khi mua sắm một cái gì đó cũng phải cân nhắc, đắn đo. Nhưng kinh nghiệm của anh Đặng Dân ở thôn Túy Loan Đông 1 nói trên, có những thứ không cần phải cân nhắc. Như chuyện anh đặt làm cái hàng rào bằng inox, một điều tưởng chừng xa xỉ giữa làng quê. Inox mắc gấp đôi so với sắt, nhưng lại bền lâu, không phải tốn công lau chùi. Còn sắt thì tối đa chỉ 3 năm là vứt, lại phải hằng năm sơn phết - Anh so sánh, rồi kết luận: Chơi cái đèn compact cũng thế, tốn tiền đầu tư ban đầu hơi lớn một chút, nhưng sẽ được lợi rất nhiều trong tương lai, nhất là khi giá điện tăng cao như hiện nay.
VIÊN PHÚC QUÂN