.

Hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp xuất khẩu hồi phục

.

Báo cáo quý 1-2009 của Sở Công thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa và dịch vụ của thành phố đạt 167,7 triệu USD, bằng 15,4% kế hoạch, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, XK hàng hóa đạt 90,7 triệu USD, bằng 14,2% kế hoạch. Kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực đều giảm như thủy sản đông lạnh giảm 10,8%; hàng may mặc giảm 34%; đồ chơi trẻ em giảm 28,3%; giày thể thao giảm 67%..

Xuất khẩu hàng hóa ở Cảng Đà Nẵng.

Như vậy, hầu như tất cả các mặt hàng có thế mạnh của các DN XK thành phố đều giảm so với trước. Theo nhận định của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN giảm do việc giảm XK từ các đơn đặt hàng mới. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho các DN XK từ đầu năm đến nay vẫn khó khăn trong khâu tìm đầu ra. Chính vì thế, việc hỗ trợ lãi suất vay vốn của Chính phủ đã giải quyết được phần lớn nhu cầu vốn cho DN để duy trì SXKD. Trên thực tế, cơ chế hỗ trợ lãi suất giúp cho DN giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời có giá bán hợp lý, kích thích nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, tính đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giải ngân cho vay theo cơ chế hỗ trợ lãi suất trên 4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3 nghìn tỷ đồng so với tháng 2-2009. Trong đó, dư nợ cho vay theo các thành phần kinh tế như sau: nông nghiệp và lâm nghiệp 6,17%; thủy sản 1,96%; công nghiệp chế biến 37,08%; thương nghiệp 39,57%... Điểm đáng chú ý là các DN chiếm đến 96,66% trong tổng số các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và  Thương mại Thuận Phước cho biết: Việc hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã đem lại những hiệu ứng tích cực cho các DN XK, trong đó có Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước. Công ty đã tiếp cận được nguồn vốn vay này và đang sử dụng một cách có hiệu quả. Điều quan trọng nhất là trong hai tháng đầu năm 2009, khối lượng XK của công ty giảm 10% và giá trị XK giảm 10-20%.

Các mặt hàng có giá trị cao cung cấp cho các nhà hàng như tôm cỡ lớn, cá ngừ, cá bò… giá giảm mạnh hơn, từ 20-30%. Ví dụ, giá cá bò xuất sang Tây Ban Nha giảm từ 5,5 USD/kg xuống còn 4 USD/kg... Tuy nhiên, nhờ vào gói kích cầu của Chính phủ, DN đã chủ động trong khâu cạnh tranh giá cả với các DN XK khác trong khu vực. Cụ thể, do tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD trong thời gian qua được giữ vững, không mất giá như các đồng tiền của một số nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...  nên khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam cao hơn rất nhiều.

Mặt khác, với gói hỗ trợ này, DN sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí đầu vào mà chi phí lãi vay là một phần khá quan trọng. Cũng theo ông Lĩnh, nhờ vào việc hỗ trợ lãi suất mà trong quý 1-2009, công ty đã xuất được 5,4 triệu USD hàng hóa, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhiều DN XK đang gặp khó khăn trong vấn đề này. Ông cũng đề xuất nên kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất lên từ 1 đến 2 năm thay cho thời gian 8 tháng như bây giờ, bởi theo ông, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu còn kéo dài và việc tăng thời gian hỗ trợ là cần thiết.

Đồng quan điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, vào thời điểm hiện tại, cạnh tranh về giá hàng hóa là vấn đề sống còn của các DN XK. Chính việc hỗ trợ lãi suất cho DN trong gói kích cầu là tiền đề cho sự cạnh tranh về giá. Đây là điều mà DN cần nhất, bởi một khi đầu ra thu hẹp, sản phẩm giảm giá thì lãi suất lại là điểm dựa quan trọng nhất. Qua tiếp xúc một số DN cho thấy, việc hỗ trợ lãi suất đã góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, cho dù các DN ít nhiều vẫn gặp khó khăn về thị trường, doanh thu...

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.