.

Không để thiếu nước sinh hoạt mùa hè

.

 

Năm nào cũng vậy, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố thường diễn ra vào mùa hè. Năm nay, liệu điều đó có lặp lại? Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về khả năng đáp ứng nước sinh hoạt cho người dân của Công ty Cấp nước Đà Nẵng, ông NGUYỄN TRƯỜNG ẢNH, Giám đốc công ty khẳng định:

Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt thường xảy ra vào mùa hè một phần là do nhu cầu sử dụng nước tăng cao; mặt khác do lưu lượng nước thiếu, đường ống cấp lại nhỏ, sử dụng đã lâu và xuống cấp nhưng chưa được thay thế. Bên cạnh đó, những năm trước, công suất tối đa của 3 nhà máy nước (Sân bay, Cầu Đỏ, Sơn Trà) chỉ đáp ứng được hơn 80.000m3/ngày đêm.

Thế nhưng năm nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa cao điểm khó có thể xảy ra, bởi hiện 3 nhà máy nước trên địa bàn thành phố đã được đầu tư nâng công suất tối đa lên hơn 150.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè năm nay, Công ty Cấp nước sẽ chủ động điều hòa mạng lưới cấp nước để các nơi đều có nước sinh hoạt, đồng thời kêu gọi các hộ dân sử dụng tiết kiệm nước vào mùa hè, nhất là các hộ ở đầu nguồn cấp nước.

* P.V: Xin ông cho biết, toàn thành phố đã có bao nhiêu hộ dân được sử dụng nước sạch?

- Ông Nguyễn Trường Ảnh: Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có hơn 120 nghìn hộ dân với 500 nghìn nhân khẩu được sử dụng nước sạch do công ty cung cấp (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2008). Trong đó, số hộ dân được sử dụng nước sạch trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà chiếm 77%; quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang 62%. Ngoài ra, còn có khoảng hơn 2.300 hộ dân được sử dụng nước sạch từ dự án nước sạch nông thôn do Công ty Khai thác thủy nông đảm nhiệm. 

 * P.V: Vậy tại sao tình trạng một số khu dân cư mới và khu dân cư xa trung tâm vẫn chưa có nước sinh hoạt?

- Ông Nguyễn Trường Ảnh: Để đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho các khu dân cư mới, khu dân cư nằm xa trung tâm thành phố, hiện công ty vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và khó khăn, đặc biệt đối với khu vực dân cư nằm xa trung tâm thành phố, việc đầu tư kinh phí lắp đặt đường ống kết nối sẽ rất tốn kém. Đối với các khu dân cư mới hình thành nhưng mạng lưới đường ống chính chưa có hoặc có nhưng ống nhỏ nên chưa thể đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt trong những ngày cao điểm. Hiện tại, công ty đang tiến hành lắp đặt mạng lưới đường ống truyền dẫn và phân phối mới tại các khu dân cư nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

* P.V: Thưa ông! Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên xảy ra là do thất thoát nước còn cao?

 - Ông Nguyễn Trường Ảnh: Đúng vậy! Nếu như trong năm 2007, tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn thành phố chiếm 38,9% thì năm 2008 đã giảm xuống còn 35,5% (giảm hơn 3%). Tuy nhiên, nếu so sánh tỷ lệ trung bình thất thoát nước trên cả nước, Đà Nẵng vẫn nằm trong danh sách “đèn đỏ” về thất thoát nước. Nguyên nhân thất thoát nước chủ yếu do chất lượng mạng lưới đường ống xuống cấp. Đối với địa bàn Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, do mạng lưới đường ống còn mới nên tỷ lệ thất thoát nước tại các khu vực trên thấp hơn 20%.
 
Riêng khu vực quận Hải Châu, Thanh Khê do đường ống phân phối và dịch vụ quá cũ, nên tỷ lệ thất thoát nước chiếm khá cao (khoảng trên 40%). Mặc dù công ty đã lắp đặt đường ống truyền dẫn D500 vào khu vực trung tâm, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ về lưu lượng và áp lực nhưng tình trạng thất thoát nước vẫn chưa được cải thiện.

Để ngăn chặn tình trạng thất thoát nước ở mức thấp nhất, ít nhất cần phải đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để lắp đặt thay thế các đường ống xuống cấp, nhưng do điều kiện tài chính còn khó khăn nên công ty sẽ tổ chức phân vùng, chọn các khu vực có nguy cơ thất thoát nước cao để đầu tư, cải tạo thay thế trước và khi có kinh phí sẽ tiến hành thay thế toàn bộ.

* P.V: Cảm ơn ông!
     
TRỌNG HÙNG (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.