Những năm gần đây, công tác khuyến nông ở thành phố Đà Nẵng đã chuyển hướng hoạt động theo hướng khuyến nông đô thị khá rõ nét. Các hình thức hoạt động khuyến nông từng bước đa dạng và phong phú hơn, thu hút được nhiều tổ chức như Hội Nông dân, Phòng Kinh tế quận, huyện và đặc biệt có sự tham gia tích cực của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Làm vườn thành phố…
Hoạt động khuyến nông đô thị, nhất là lĩnh vực hoa, cây, cá kiểng, non bộ, cây thủy sinh... cần được tổ chức theo câu lạc bộ để các hội viên giúp đỡ nhau, giao lưu mở rộng kiến thức. (Ảnh tư liệu) |
Điểm lại các hoạt động khuyến nông đô thị ở Đà Nẵng trong thời gian qua, đầu tiên có thể kể đến là khuyến nông theo chủ đề “Nuôi cá cảnh, hoa-sinh vật cảnh”, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển mở rộng sinh vật cảnh. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất của đông đảo nhân dân được nâng lên, kéo theo đời sống tinh thần, nhu cầu giải trí ngày càng cao.
Từ đó, việc phát triển ngành sinh vật cảnh theo hướng nông nghiệp đô thị, đáp ứng nhu cầu thị trường là điều cần thiết. Hoạt động khuyến nông đô thị, nhất là lĩnh vực hoa, cây, cá kiểng, non bộ, cây thủy sinh... đã được tổ chức theo câu lạc bộ để các hội viên giúp đỡ nhau, giao lưu mở rộng kiến thức. Kinh phí xây dựng mô hình sinh vật cảnh tuy không nhiều nhưng kết quả mang lại không nhỏ.
Cụ thể, năm 2008, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng đã xây dựng mô hình nhân giống cây thủy sinh trong bể cảnh; tập huấn kỹ thuật trồng hoa, tổ chức cho nông hộ tham quan học hỏi tại TP. Hồ Chí Minh, tiếp cận được tiến bộ trong nhân giống cây thủy sinh. Mô hình đã mang lại hiệu quả là tạo công ăn việc làm, thu nhập 8 đến 10 triệu đồng/tháng.
Trung tâm tích cực quảng bá sản phẩm làm ra thông qua các hội thảo, lớp tập huấn về lĩnh vực này. Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền, thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho các nghệ nhân như Hội hoa xuân, trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh. Hầu như các quận nội thành đều có câu lạc bộ sinh vật cảnh, được chính quyền quan tâm tạo mặt bằng ổn định để giới thiệu sản phẩm...
Bên cạnh đó, các hoạt động khuyến nông đã và đang thực hiện theo chủ đề “Khuyến nông đô thị gắn du lịch sinh thái và bảo đảm vệ sinh môi trường”. Mục tiêu là hỗ trợ phát triển mở rộng sinh vật cảnh trên địa bàn thành phố; xây dựng mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Việt Nam); sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế biến phân vi sinh; nuôi cá theo mô hình cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường phòng tránh lây lan dịch bệnh; bảo quản tôm, mực trên tàu khai thác xa bờ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển nuôi heo nạc theo hướng an toàn sinh học, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm...
Theo số liệu thống kê, sau 10 năm, diện tích đất đô thị tăng lên gần 15.000 ha (năm 1997 là 5.000ha, năm 2008 là 20.000ha). Điều đó cho thấy, cơ sở hạ tầng đô thị ngày càng tăng, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp dần do quá trình đô thị hóa. Xuất phát từ thực tế trên, những năm trở lại đây, công tác khuyến nông đã tập trung vào nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi chiếm ít diện tích, chú trọng vào yếu tố bảo đảm vệ sinh môi trường, sản phẩm phải đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm là những tiêu chí hàng đầu khi xây dựng chương trình dự án khuyến nông đô thị.
Năm 2009, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình trọng điểm của thành phố như mở rộng phát triển diện tích nuôi cá nước ngọt, sản xuất rau an toàn, hoa-sinh vật cảnh… theo hướng an toàn sinh học và bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều trang trại bước đầu đã chuyển đổi từ nông nghiệp thuần túy sang đầu tư kết hợp phát triển du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn, vui chơi giải trí của nhân dân và du khách.
Bên cạnh những kết quả của công tác khuyến nông đô thị mang lại, vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần quan tâm. Đó là chưa tạo ra sản phẩm ổn định, chưa tổ chức tốt các hoạt động nhóm hộ, câu lạc bộ để tạo tiếng nói chung, do vậy quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu cơ hội để tiếp nhận những dự án lớn. Thiếu chương trình cụ thể, chưa liên kết tạo sản phẩm phối hợp theo từng địa phương; bổ sung thế mạnh cho nhau để hình thành những sản phẩm mới cho từng địa phương.
DÂN HÙNG