.

Kích cầu phát triển du lịch biển

.

Với lợi thế có trên 30 km bờ biển và nhiều bãi biển đẹp như Mỹ Khê, Tiên Sa, Sơn Trà, Bắc Mỹ An, Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Non Nước... đã tạo cho Đà Nẵng một thế mạnh để phát triển du lịch biển. Nhưng trên thực tế, du lịch biển ở Đà Nẵng vẫn chưa phát huy được lợi thế để “kéo” khách du lịch.

Biển đẹp nhưng... thiếu

Cần có chính sách để kích cầu thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Tuy sở hữu 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, nhưng nếu ngành du lịch thành phố không đưa ra chiến lược và hoạch định phát triển du lịch biển bền vững thì vẻ đẹp thiên phú của biển Đà Nẵng sẽ không đủ sức “hút” khách đến với biển.

Vấn đề làm cản trở sức hấp dẫn của du lịch biển Đà Nẵng đã được không ít du khách cho rằng: các dịch vụ vui chơi giải trí ở các khu du lịch biển dường như quá thiếu và nghèo nàn. Bên cạnh đó, chất lượng, giá cả các loại hình kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch biển cũng cần phải xem lại. “Nếu đi tiếp khách mà cầm ít “money” chắc có lẽ chẳng ai dám ghé vào những nhà hàng nằm sát ven biển.
 
Trong Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế vừa qua, mặc dù cầm 2,5 triệu đồng để tiếp anh bạn ở Hà Nội một vài món hải sản biển tại nhà hàng Mỹ Hạnh (nằm trên đường Sơn Trà- Điện Ngọc), vừa dứt lời gọi, chủ quán mang ra một con tôm hùm và thông báo ngay giá 1,7 triệu đồng/kg. Với mức giá này so với các quán khác xem ra mắc gấp 4 lần, nhưng vẫn phải chịu vì tiếp bạn” - anh L.C.H - một người bạn kể.

Ảnh hưởng từ môi trường

Sự cản trở phát triển du lịch biển Đà Nẵng không thể không nhắc tới vấn đề ô nhiễm môi trường. Bởi hiện nay, sự ô nhiễm môi trường biển ở Đà Nẵng một phần là do sự thiếu ý thức của một số khách du lịch; đồng thời việc xử lý nước thải, rác thải của các dịch vụ phục vụ du lịch, các nhà hàng, khách sạn trên bờ biển đã làm ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Nếu tình trạng ô nhiễm môi trường không được ngăn chặn triệt để sẽ dẫn đến sự mất cân bằng  sinh thái, hủy diệt môi trường, tác động xấu đến du lịch. Cùng với đó là ô nhiễm môi trường xã hội như tình trạng chèo kéo khách du lịch vẫn diễn ra tại một số bãi tắm, khu du lịch biển, gây nhiều phiền nhiễu cho du khách.

Làm gì để du khách đến với biển?

Ông Phạm Phú Thái, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng) cho biết, hiện Viện này đang phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng đề tài phát triển du lịch Đà Nẵng một cách toàn diện (trong đó có du lịch biển).

Nhưng để du lịch biển Đà Nẵng hấp dẫn du khách, trước hết chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường bãi biển, đồng thời chú trọng đến hệ thống xử lý nước thải cũng như ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng rong xả rác làm ô nhiễm môi trường biển. Bên cạnh đó, cần phải đầu tư tăng cường các loại hình dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch biển như câu cá, lặn biển, lướt ván, nghỉ dưỡng… nhằm đáp ứng nhu cầu khách du lịch.

Cũng theo ông Thái, trong thời điểm suy thoái kinh tế như hiện nay, du lịch nói chung và du lịch biển Đà Nẵng nói riêng cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút du khách đến với Đà Nẵng. Ngoài việc “kích cầu” để “kéo” du khách đến với biển Đà Nẵng, thành phố cần phải tập trung và có chính sách ưu đãi trong việc “kích cầu” thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm đa dạng sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

“Nói tóm lại, nếu 2 giải pháp (kích cầu du khách và kích cầu đầu tư vào lĩnh vực du lịch) được thực hiện một cách đồng bộ, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh từ biển” - ông Thái nói.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.