Trong thời gian qua, việc các ngân hàng (NH) liên tục điều chỉnh tăng lãi suất (LS) huy động tiền đồng, đã làm cho không ít DN, người dân có nhu cầu vay vốn tỏ ra lo ngại trước việc LS cho vay cũng bám đuổi tăng theo LS huy động trong thời gian tới.
LS cho vay sẽ tăng nữa?
Khi LS cho vay tăng, DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh. |
Theo Chi nhánh NHNN Đà Nẵng, việc tăng LS huy động ở các NH trong thời gian qua đã thu hút được lượng tiền nhàn rỗi không nhỏ từ dân cư và các tổ chức. Đến hết tháng 2-2009, tổng vốn huy động của các NH trên địa bàn ước đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3% so với tháng 1-2009. Theo nhận định, thời gian tới, cả nguồn vốn huy động và cho vay sẽ còn tiếp tục tăng lên khi chương trình hỗ trợ 4% LS và bảo lãnh tín dụng vay vốn được các NH đẩy mạnh.
Với mức dư nợ tín dụng đang có dấu hiệu tăng hiện nay cho thấy, các NH đang triển khai đẩy mạnh kênh cho vay tiêu dùng nhằm duy trì lợi nhuận theo mục tiêu đề ra của năm 2009. Tuy nhiên, ông Trần Trọng Vinh, Phó Giám đốc Chi nhánh NH Đông Á lại cho rằng: LS huy động được điều chỉnh tăng lên trong thời gian qua chủ yếu rơi vào các NH có quy mô nhỏ, hoặc các NH mới thành lập. Đối với NH có quy mô lớn, mức độ điều chỉnh LS huy động có tăng nhưng không đáng kể.
“Nếu các NH cứ tiếp tục cạnh tranh về LS để thu hút khách hàng gửi tiền thì LS cho vay chắc chắn ở một số NH sẽ buộc phải điều chỉnh tăng theo để cân bằng giữa đầu vào và đầu ra của đồng vốn. Như vậy, tác động về LS không những làm giảm hiệu quả về hoạt động NH, mà còn làm ảnh hưởng lớn đến đối tượng có nhu cầu vay vốn”, ông Vinh giải thích.
Người vay lo lắng
Theo ghi nhận của phóng viên, kể từ khi các NH liên tục điều chỉnh tăng LS huy động và đẩy mạnh kênh cho vay tiêu dùng đã buộc một số NH phải điều chỉnh tăng LS cho vay theo mức tăng của LS huy động. Với cơ chế “mở cửa” cho vay tiêu dùng theo LS thỏa thuận giữa 2 bên (NH và khách hàng), một số NH đã không ngần ngại điều chỉnh mức LS cho vay lên khá cao.
Theo thông báo ở các NH, mức LS cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp hay tín chấp thường dao động ở mức 10,5% - 11%/năm, nhưng trên thực tế để vay được mức LS trên ở thời điểm hiện tại là điều không dễ. Nếu khách hàng vay vốn không phải là khách “VIP” của NH thì mức LS hiện nay thường được các NH “ra giá” 13%-14%/năm; thậm chí cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp có thể lên đến 16-18%/năm.
Mức LS này so với trần LS cơ bản của NHNN quy định xem ra đã có sự chênh lệch khá lớn, và đối tượng phải gánh hậu quả thiệt hại vẫn là DN và người dân có nhu cầu vay vốn trong thời điểm hiện nay. Theo phản ánh của không ít khách có nhu cầu vay vốn tín chấp, kể từ khi NH mở rộng chương trình cho vay tiêu dùng mà không cần tài sản thế chấp với mức LS dao động từ 10,5%-12%/ năm, số lượng hồ sơ có nhu cầu vay vốn theo hình thức này đang tăng mạnh ở NH. Nhưng ngược lại, đối tượng được giải ngân vay tín chấp rất ít, số hồ sơ còn bị “giam” lại, khách hàng vẫn phải chờ đợi.
Anh Cường, trú phường Hòa An (Cẩm Lệ) bức xúc nói: Khi giá vật liệu xây dựng đang có xu hướng giảm mạnh, nên gia đình tôi đã quyết định vay vốn NH để xây nhà. Khi làm thủ tục vay vốn, NH đưa ra mức LS cho vay 11%/năm (có tài sản thế chấp), thế nhưng sau 2 ngày được NH chấp nhận cho vay với số tiền theo giá trị tài sản, nhưng bực mình một nỗi mức LS mà NH đưa ra không phải theo mức ban đầu (11%/năm) mà đã được NH áp dụng 12,5%/năm.
Khi anh Cường thắc mắc thì được NH giải thích ngắn gọn: Do LS huy động đang tăng cao, NH phải điều chỉnh cho phù hợp. Với cách giải thích như trên của NH xem ra hợp lý, bởi lẽ nếu khách hàng vay vốn chấp nhận mức LS trên thì làm hợp đồng tín dụng vay vốn, còn không “xin” từ chối vay vốn. Bên cạnh đó, một số NH còn đưa ra những chiêu “trói” khách hàng vay vốn bằng nhiều hình thức như LS cho vay sẽ được điều chỉnh tăng lên theo mức tăng LS của NHNN quy định, thậm chí có NH còn đưa ra mức LS cho vay phụ thuộc vào mức tăng giảm theo LS huy động.
Việc các NH tăng LS huy động trong thời gian qua, lợi ích trước mắt sẽ thuộc về những khách hàng có tiền gửi tiết kiệm. Thế nhưng, việc tăng LS huy động và kéo LS cho vay tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của DN và tác động không tốt đến nền kinh tế trong thời điểm hiện nay, khi Nhà nước đang thực hiện bù LS theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ.
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG