.

Mơ về nguồn thu nhập ổn định

.

Nhiều trẻ em vùng biển phải bỏ học từ rất sớm để theo người lớn ra khơi đánh cá, hoặc làm những công việc phụ trên tàu, ngoài bãi… Đó không chỉ là trăn trở riêng của những của bậc sinh thành mà còn là thách thức lớn của an sinh xã hội.

Không chỉ học cho mình

Sinh ra từ các làng biển, lớp trẻ sẽ có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của mình.

Ông Ngô Minh Châu, tổ 12, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu đang ngồi trước sân sửa lại chiếc thúng nan, phương tiện đánh bắt duy nhất của gia đình. Chiều nay ông không đi biển. Ngôi nhà vợ chồng ông cùng 3 đứa con đang ở hiện nay do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố kết hợp với Bộ đội Biên phòng thành phố xây tặng. Cả chiếc bàn inox để giữa nhà cũng là món quà tình nghĩa của những nhà hảo tâm. Gần một đời lênh đênh trên biển, ông thấu hiểu được những thiệt thòi của người không biết chữ.

Ông vẫn thường nhắc 2 đứa con “ráng mà học, để sau này còn mong đổi đời”. Trong nhà, cô bé Ngô Thị Hồng Loành, học lớp 10/3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đang tỉ mẩn làm bài tập. Lâu lâu lại trao đổi bài vở với em gái Nguyễn Thị Hồng Hậu, học sinh lớp 8/5 Trường THCS Nguyễn Thái Bình. Cơn bão số 6 năm 2008 đã làm ngôi nhà vợ chồng ông dày công xây dựng bỗng chốc biến thành đống vôi vữa đổ nát. Nhà không, tiền không, nợ ngân hàng đến kỳ hạn phải trả khiến 2 đứa con của ông Châu đối mặt với nguy cơ bỏ học.

Sau nhiều đêm trăn trở, chờ sóng yên biển lặng, hai vợ chồng ông lại ra biển, mong kiếm tiền cho con ăn học. Một người hàng xóm đã cho Loành mượn chiếc xe đạp, cùng với việc hằng ngày nhờ Loành đưa đón giúp đứa con của họ đang học lớp 3 Trường tiểu học Trần Bình Trọng và tạo điều kiện cho Loành làm gia sư với thu nhập 250.000 đồng/tháng. Điều này đã khiến Loành vui đến phát khóc. Số tiền tạm đủ để em đóng học phí và mua sắm vài thứ lặt vặt cho việc học. Loành tâm sự: “Do không có tiền sắm tàu, nên ba mẹ chỉ đánh bắt gần bờ bằng thúng nan. Số tiền kiếm được không đủ chi tiêu, chưa kể lúc ba mẹ đau ốm không đi biển được. Ba mẹ không cho em đi biển, bảo phải ráng mà học để sau này có hướng phát triển bản thân”.

Phường Hòa Hiệp Bắc hiện nay có 40 hộ hành nghề đánh bắt hải sản (trước đây gần 100 hộ). Theo ông Đặng Soạn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Kim Liên 5, Hòa Hiệp Bắc, phần lớn ngư dân có học vấn thấp và đời sống kinh tế khó khăn. Ba mẹ quanh năm đi biển nên trẻ em sinh ra không có được định hướng từ cha mẹ. Nếu có sự đốc thúc của người lớn, các em sẽ dễ dàng hòa nhập, lấy việc học là mục tiêu đầu tiên.

Nói về cuộc sống, nhiều ngư dân xót xa vì kiếm con tôm, con cá ngày nay không dễ, bởi nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Phương tiện đánh bắt cũ nát, không thể ra khơi xa, nhiều dân chài lưới phải bỏ đi làm công nhân khuân vác. Em Mỹ Anh, học sinh lớp 11, tổ 27 Thanh Khê Đông bộc bạch, trải qua nhiều trận bão biển, gần đây nhất là giá dầu tăng, nhiều tàu thuyền không thể ra khơi…, em và một số bạn có cha mẹ đi biển tự hứa với lòng phải học thật tốt để mong có một công việc ổn định trong tương lai. Kết quả học tập tốt chính là món quà có ý nghĩa nhất mà chúng em dành tặng cho ba mẹ sau những ngày lênh đênh trên biển.

Cần định hướng từ gia đình

Trẻ em vùng biển đến trường.
Hiện nay, toàn thành phố có 89 tổ đánh bắt hải sản gồm 562 tàu. Trong đó có 46 tổ đánh bắt xa bờ gồm 208 tàu, 39 tổ tuyến lộng với 322 tàu, 4 tổ khai thác gần bờ có 32 tàu. Đó là chưa kể đến những ngư dân đánh bắt gần bờ bằng thúng nan, hoặc những tàu có công suất 4-8 CV. Trong mỗi gia đình ngư dân, ít nhiều các em chịu sự thiếu vắng thường xuyên bàn tay chăm sóc của người cha. Đây được xem là những thách thức đến an sinh của xã hội trong tương lai. Nhiều em phải bỏ học sớm để đi biển, hoặc trở thành công nhân ở các nhà máy khi tuổi đời còn quá nhỏ.

Tại các phường có đông ngư dân sinh sống như Nại Hiên Đông, An Hải Tây, Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà), Xuân Hà, Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), Hòa Minh, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), trẻ em bước vào cuộc mưu sinh sớm không còn là chuyện lạ. Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho rằng, nghề biển có tai nạn rủi ro cao hơn các nghề khác, chỉ sau một cơn bão biển, tình hình kinh tế của gia đình ngư dân có thể bị đảo ngược, từ giàu sang nghèo, từ sung túc sang thiếu thốn.
 
Điều này dễ khiến con cái bị sốc, học hành bê trễ và có khi là bỏ học. Chưa tính đến việc mất người thân sẽ gây những tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho các em. Nếu không được sự động viên, các em trong giai đoạn này dễ suy sụp, dẫn đến bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình. Theo ông, tỷ lệ đậu đại học của các em có cha mẹ là người đi biển chỉ chiếm khoảng 10% so với các ngành nghề khác.

“Người đi biển luôn phải đối mặt với sóng to, gió lớn nên anh em mình muốn thay đổi hướng đi trong cuộc đời bằng cách theo đuổi việc học để có điều kiện chăm sóc khi cha mẹ già yếu”, đó là tâm sự của luật sư Nguyễn Vũ, con trai ông Nguyễn Dĩ, trú phường Hòa Hiệp Bắc.
 
Quyết định bỏ biển từ hơn 5 năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Dĩ đã mở quầy tạp hóa nhỏ gần nhà, quyết tâm cho con ăn học. Đã có 2 trong số 4 người con của ông Dĩ đậu đại học, ra trường có công việc làm ổn định. Con út đang học phổ thông. Có lẽ niềm mong mỏi của hai vợ chồng đã làm cho các con ông chuyên tâm học hành. Công việc và đồng lương ổn định là mong muốn chung của những bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình có người thân đi biển.

Trải qua bao nhiêu biến động, biển vẫn là nơi gắn kết cuộc đời ngư dân từ đời này sang đời khác. Thế hệ trẻ lớn lên, một phần nối nghiệp cha ông đi biển, một phần theo nghiệp học hành. Mỗi sự lựa chọn đều mang lại những lợi ích thiết thực. Tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, lớp trẻ sẽ có sự lựa chọn phù hợp với khả năng của chính mình.

TIỂU YẾN

 

 

;
.
.
.
.
.