.

Sử dụng ít, trả tiền nhiều

.

Đối với công nhân và sinh viên, từ ngày 1-3-2009 bắt đầu tăng giá điện cũng đồng nghĩa với việc họ mang thêm một mối lo mới. Với ít đồ dùng sử dụng điện, họ đã phải trả một giá điện cao ngất ngưởng, nay các chủ nhà trọ lại bắt đầu rục rịch tăng lên một mức mới.

Hầu hết người đi thuê trọ phải trả tiền điện cao gấp 2-3 lần giá điện sinh hoạt Nhà nước quy định.

Bạn Nguyễn Thị Cẩm, sinh viên Trường CĐ Công nghệ thông tin, thuê trọ ở tổ 22 Chơn Tâm 2, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu than: “Lâu nay bọn em đã phải trả 1.500 đồng/chữ điện, nay chủ nhà thông báo sẽ tăng lên 1.800 đồng bắt đầu từ tháng 4, tức sau khi Nhà nước tăng giá điện một tháng. Đi hỏi nhiều nơi, ở đâu chủ nhà trọ cũng tính chữ điện cao như thế, đành phải tính chuyện tiết kiệm thôi”.

Ở khu trọ của Cẩm có tất cả 9 phòng trọ, phòng nào “sang” nhất thì có cả máy vi tính và ti-vi, còn lại đều sàn sàn như nhau: 2-3 bạn ở một phòng trọ khoảng 9m2, dùng chung 1 nồi cơm điện, 1 cái quạt máy, 1 bóng đèn nê-ông thắp sáng, thêm chiếc máy nghe nhạc loại dùng băng cát-xét nhưng tiền điện tháng nào cũng phải trả 35 - 40.000 đồng. Có lần Cẩm mượn được bộ máy vi tính của anh trai mang về học, chỉ mở máy những lúc cần học, thế nhưng tiền điện tăng lên 60.000 đồng. Sau 2 tháng như vậy, Cẩm đành bê máy đi trả.

Bạn Võ Công Thương, sinh viên khoa Tin, ĐH Sư phạm thuê trọ ở gần đó cũng thường xuyên trả tiền điện mức 60.000 đồng/tháng, với những đồ điện tối thiểu nhất là nồi cơm điện, quạt và chiếc máy vi tính. Thương tâm sự chân thành: “Nồi cơm, quạt thì phải dùng hằng ngày. Chỉ có tiết kiệm ở chiếc máy vi tính.

Nhưng trong phòng có một bạn học khoa Xây dựng của Trường ĐH Bách khoa, bạn phải thường xuyên làm đồ án trên máy nên cũng khó tiết kiệm hơn, mà 2 đứa cũng đã tiết kiệm nhiều lắm như chỉ mở máy những lúc cần học”. Khi nói về việc chủ các nhà trọ bắt đầu tăng giá điện, hầu hết các bạn sinh viên đều buộc phải chấp nhận vì không có lựa chọn nào khác, và ai cũng được giải thích đây là giá điện kinh doanh nên phải trả giá cao.

Tại khu vực xóm trọ ở trước Trường ĐH Bách khoa, các bạn sinh viên của Trường ĐH Bách khoa và CĐ Kinh tế kế hoạch thuê trọ ở đây cũng phải trả tiền điện 1.500 đồng/chữ. Thậm chí chủ nhà của bạn Huỳnh Hữu Minh, sinh viên khoa Điện tử-ĐH bách khoa còn thông báo là sẽ tăng giá điện trong đợt thu tiền cuối tháng này, với mức tăng có thể là 2.000 đồng/chữ, với lý do là “chúng em dùng nhiều nên bác ấy bị cơ quan điện lực phạt”.

Hầu như ở nhà trọ nào trên khắp thành phố này, người đi thuê nhà đều phải trả tiền điện cao hơn 2-3 lần so với lượng điện mà họ tiêu thụ, thậm chí “gánh” luôn tiền điện cho chủ nhà nhưng không hề được giảm lấy một xu, mà họ luôn bị dọa “sẽ thu tiền điện cao hơn khi ngành điện lực bắt đầu tăng giá điện”. Bạn Phan Thị Thủy thuê nhà trọ tại đường Núi Thành kể: “Khi em đến thuê trọ (cách đây 4 năm), được báo là giá điện 1.500 đồng/chữ, em hỏi sao giá cao thì được chủ nhà giải thích là do nhà họ dùng nhiều, mỗi tháng trả mấy trăm nghìn tiền điện, nên cũng buộc người thuê trọ trả giá cao. Dù lúc đó phòng trọ của em đã mắc sẵn một cái đồng hồ riêng”.

Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp trong thành phố khi đi thuê nhà cũng phải trả giá điện rất cao. Chị Nguyễn Thị Thùy Hương, thuê trọ ở tổ 19 phường An Hải Bắc, Sơn Trà chỉ vào chiếc ti-vi kê trong góc phòng trọ, nói: “Bữa nay công ty làm ăn khó, không tăng ca, thu nhập cũng giảm nên phải tiết kiệm, đành hạn chế mở ti-vi, tức là xem những khi cần thiết. Mấy tháng nay mỗi tháng giảm khoảng 15-20.000 đồng so với trước. Như vậy cũng đỡ”.

Nhiều người thuê trọ biết quy định cứ 4 người thuê nhà có thời hạn 12 tháng trở lên được tính là một hộ sử dụng điện để hưởng giá điện sinh hoạt bậc thang, thương lượng với chủ nhà để được mắc công-tơ riêng, thì đều bị từ chối hoặc họ viện lý do ngành điện của quận đó không đồng ý.

Các chủ cho thuê nhà đều lấy lý do phải trả tiền điện giá cao do dùng nhiều, bị phụ trội tiền đầu tư công-tơ, hoặc sợ phải công khai hoạt động cho thuê nhà thì phải đóng thuế... nên luôn thu tiền điện của người thuê trọ cao gấp 2-3 lần mức giá họ được hưởng và từ chối mắc thêm công-tơ điện. Nhưng theo thông tin từ ngành điện, nếu các chủ hộ đồng ý tách công-tơ, ngành điện sẽ cung cấp công-tơ đo đếm điện, người sử dụng chỉ việc chịu kinh phí dây dẫn.

Như vậy, nếu thương lượng được với chủ nhà, người thuê chỉ phải chịu tiền mua dây dẫn. Đổi lại, họ sẽ được sử dụng điện theo giá bậc thang Nhà nước quy định. Nhưng rất hiếm chủ nhà chịu sòng phẳng như vậy, khi họ có thể bắt buộc người thuê phải trả giá cao để hưởng tiền chênh lệch; còn khi đóng tiền điện, có thể họ chìa hợp đồng của người thuê để được hưởng mức giá ưu đãi.

Tính theo giá điện mới thì hộ sử dụng điện sinh hoạt có mức sử dụng từ 401 kW trở lên mới phải áp dụng mức giá cao nhất là 1.790 đồng/kWh. Nhưng rất nhiều người thuê nhà cho rằng họ nhìn vào phiếu thông báo thanh toán tiền điện hằng tháng của chung một công-tơ thì bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều so với tổng số tiền mà các phòng trong khu nhà trọ phải trả. Tức số tiền chênh lệch thu từ người thuê trọ và tiền phải trả sẽ rơi vào tay chủ nhà. Vì mức lợi nhuận này mà hầu hết các chủ cho thuê nhà đều từ chối mắc thêm công-tơ?!

Theo số liệu từ Công ty Điện lực Đà Nẵng, cả thành phố hiện có 100 hợp đồng (số hộ có nhà cho thuê) được mắc thêm công-tơ. Con số này quả là ít ỏi so với hàng nghìn hộ có nhà cho thuê trọ trên cả địa bàn thành phố. Và cũng đã có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng có một số hộ gia đình lấy giá điện cao hơn bậc 7 (1.790 đồng/chữ) và đề nghị Công ty Điện lực tiến hành kiểm tra và đề xuất ý kiến xử lý. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ mới được đem ra thảo luận và các chủ hộ đã thỏa thuận sẽ công khai số tiền điện mỗi tháng cho người thuê…

Ngành điện lực cho rằng, việc lắp đặt thêm công-tơ vẫn có thể làm được nếu chủ nhà cho thuê có đầy đủ giấy tờ hợp pháp như số khẩu chứng minh hộ gia đình, đồng ý của chủ hộ cùng người cho thuê, giấy đề xuất với Công ty Điện lực… Ngành điện cũng không thể đơn phương buộc chủ cho thuê trọ tách hộ, mắc thêm công-tơ, nên chuyện người đi thuê trọ phải trả tiền điện giá cao vẫn là câu chuyện dài dài và chưa có hồi kết.

HIỀN LƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.