.

Tăng cường giám sát, kiểm tra để bình ổn giá

.

Sau hai lần tăng giá xăng, dầu gần đây và quyết định tăng mức lương cơ bản của Chính phủ vào đầu tháng 5 tới cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

 Xăng, dầu tăng giá khiến giá các mặt hàng có chiều hướng tăng.

Cho đến nay, tuy các nhà sản xuất và phân phối ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chưa đưa ra thông báo về việc có tăng giá các mặt hàng hay không, nhưng do ảnh hưởng bởi tâm lý, một số cơ sở bán lẻ đã có dự báo giá hàng hóa sẽ tăng. Bởi theo họ, giá xăng dầu ảnh hưởng tới giá vận chuyển, và không loại trừ trường hợp “tát nước theo mưa” vẫn thường xảy ra ở các đợt tăng lương trước đây. Theo một số tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường, nếu tăng giá thì mặt hàng thực phẩm sẽ nằm trong danh sách biến động đầu tiên.

Chị Vân, một chủ kinh doanh tại chợ này cho biết: Sở dĩ lần tăng giá xăng này chưa ảnh hưởng nhiều đến các mặt hàng thực phẩm là vì rau củ quả hiện đang vào mùa, lượng hàng cung ứng từ các nơi đổ về chợ còn khá dồi dào. Theo kinh nghiệm của chị Vân, chỉ cần một tháng sau khi hết mùa, giá sẽ tăng vọt lên là điều chắc chắn. Hơn nữa, từ sau Tết, tình hình mua bán ế ẩm, nhiều mặt hàng thực phẩm đứng giá và giảm thấy rõ như thịt heo, gà, các loại hải sản khác. Việc bán buôn chỉ mới chộn rộn từ đầu tháng 3, song đứng trước thông tin giá xăng, dầu tăng cũng như lương tăng thì nhiều khả năng đồ ăn thức uống cũng như hàng tiêu dùng sẽ có biến động về giá.

Trong cuộc trao đổi bên lề, chủ một DN sản xuất nhựa trên địa bàn cho rằng: “Trong vài tháng tới, chúng tôi sẽ bàn kỹ với nhà bán lẻ về việc điều chỉnh giá thành sản phẩm như thế nào để khỏi bị lỗ, chứ hiện nay, giá xăng dầu tăng dù là 200 đồng hay 500 đồng thì rõ ràng nguyên liệu đầu vào và phí vận chuyển sẽ theo đó mà lên. Đó là chưa kể đến việc giá điện mới được tính trong tháng 3 vừa qua, đã khiến chúng tôi phải chi thêm 20 triệu đồng một tháng”.

Theo đánh giá của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong quý 1-2009 ước đạt 4.679 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Về sức mua so với quý 1-2008 không tăng, thậm chí có trầm lắng mà nguyên nhân là do người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua, tình hình thị trường có nhiều khởi sắc do thành phố diễn ra nhiều lễ hội; đồng thời các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên sức tiêu thụ hàng hóa đã có dấu hiệu hồi phục.
 
Trong tháng 4 và 5 tới có nhiều ngày nghỉ lễ cộng với thời điểm mùa hè, nhiều người kinh doanh đang chuẩn bị kế hoạch dự trữ nguồn hàng lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trước diễn biến thị trường trong thời gian tới, ngành Công thương cho biết, đã triển khai một số biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý do ảnh hưởng từ xăng dầu và tăng lương.
 
“Tâm lý tăng lương bao giờ cũng ảnh hưởng tới yếu tố giá cả. Các DN chỉ chờ vào cơ hội này là tăng giá. Song tôi nghĩ, giải pháp tăng lương của Chính phủ chính là để kích cầu tiêu dùng trong nước. Chỉ có điều, muốn ổn định thị trường, trước hết phải tăng cường công tác kiểm tra, quản lý về giá cả. Phải tuyên truyền ý thức cho người dân và các hộ kinh doanh, đồng thời các DN sản xuất phải có cam kết về giá để tránh việc sản xuất tăng, phân phối tăng, bán lẻ tăng”, ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định.

Để bình ổn giá, các cơ quan chức năng phải “trị tận gốc” những DN đầu mối cung ứng hàng hóa tăng giá tùy tiện. Như vậy, DN mới có trách nhiệm đối với xã hội hơn. Đối với việc thông đồng giá bán giữa các nhà kinh doanh, người tiêu dùng cần chuẩn bị cho mình những thông tin mở rộng để giúp lành mạnh hóa thị trường.
 
Vì theo ông Trần Văn Đạm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố: “Người dân không nên có tâm lý sốt hàng, khi tăng giá thị trường sẽ có sự điều chỉnh theo quy luật. Điểm thuận lợi hiện nay là lượng hàng hóa lưu thông không thiếu, lại rất dồi dào về chủng loại. Điều này giúp người dân có nhiều cơ hội mua hàng hợp lý. Ví dụ, nếu cảm thấy loại hàng đó ở chợ đắt hơn siêu thị thì nên so sánh để có sự lựa chọn phù hợp”.

Được biết, lượng hàng tồn đọng của các DN hiện nay khá lớn, muốn ổn định, tái sản xuất, các DN buộc phải đẩy hàng. Do vậy, nếu sản phẩm tăng giá trong lúc này, người tiêu dùng sẽ tẩy chay hoặc lại thắt chặt chi tiêu. Điều này trong kinh doanh không ai muốn. Nhưng với dự báo của ngành Công thương, việc tăng giá ở một số nhóm hàng nhất định như thực phẩm, hàng gia dụng, dịch vụ… là có thể.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.