.

Tata có làm thay đổi quan điểm giao thông?

.

Những chiếc xe Tata 2.000 USD của Tập đoàn ô-tô Tata (Ấn Độ) đầu tiên đã chuẩn bị xuất xưởng. Hãng tin AP tính toán, chiếc xe sẽ vừa túi tiền với khoảng 10 triệu khách hàng trên toàn cầu! Ở Việt Nam, sau khi tính thuế nhập khẩu (83%), tiêu thụ đặc biệt (45%), VAT (5%), Tata sẽ có giá khoảng 5.600 USD khi nhập về Việt Nam, chưa bằng một chiếc xe tay ga SH, PS đang khá phổ biến hiện nay. Giả sử 1% của 10 triệu khách hàng là người Việt, chúng ta sẽ có một vấn đề ở mức “thảm họa” về giao thông sẽ bắt đầu xảy ra vào cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm sau.

Xe Tata giá 2.000 USD được sản xuất tại  Ấn Độ tháng 3-2009. Ảnh tư liệu)

Các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng thì Tata cho dù có thay thế hoàn toàn xe máy tay ga cũng chưa đến mức quan trọng, thế nhưng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì đó thực sự là một tai họa!

Giải quyết thế nào? Như bình thường mà suy thì ta có thể đoán được là sẽ có những biện pháp ngăn cấm. Thuế thì không thể tăng hơn được nữa, nhưng cho dù thu phí, chiếc xe lên đến giá dưới 10.000 USD thì nó vẫn cứ là lựa chọn hấp dẫn khi đặt bên cạnh một chiếc xe gắn máy tay ga đắt tiền. Cấm đi vào một số đường phố, hoặc cấm theo ngày chẵn, ngày lẻ thì... Hình dung ở cách nào thì ta cũng sẽ thấy chuyện xếp xe 4 bánh vào loại hàng xa xỉ, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, đã đến lúc không còn tác dụng nữa.

Một trong những mục tiêu mà nhà sản xuất Tata nhắm đến là sự an toàn cho con người so với việc đi xe 2 bánh. Mưa không đến mặt, nắng không đến đầu dầu sao cũng là một nhu cầu chính đáng, thậm chí là thiết thân với sinh mạng con người; vì vậy việc kéo dài thuế tiêu thụ đặc biệt với ô-tô (với lý do ngành giao thông chưa đáp ứng) là một việc không chỉ thiếu nhân văn mà còn cản trở phát triển. Tata đã thực sự phá vỡ các rào cản, không chỉ về giá cả mà cả những quan điểm về sử dụng ô-tô trong cuộc sống.

Bài toán đặt ra quả thật không thể dễ giải quyết nếu mọi chuyện vẫn cứ được tư duy theo kiểu cũ: đổ hết mọi chuyện cho ngành giao thông. Ngành giao thông phải lo tổ chức giao thông thật tốt trong điều kiện diện tích mặt đường không tăng nhưng phương tiện giao thông thì ngày càng nhiều, người đổ về các khu trung tâm ngày càng đông.

Cả nước, nếu không nói cả thế giới, nếu đến Hà Nội thì đổ vào Ba Đình, Hoàn Kiếm; nếu đến TP Hồ Chí Minh thì đổ vào quận 1, quận 3. Hành chính, kinh tế, thương mại, văn hóa, dịch vụ, học tập, chữa bệnh... tất tất đều đổ dồn vào vài con phố được làm từ hàng trăm năm trước thì nói thật, có đi bộ cũng không thể. Vì vậy, cần phải phân tán hệ thống giao thông để người đi chữa bệnh không đụng đầu với người đi làm thủ tục hành chính; người đi mua bán không đụng đầu, chen lấn chỗ đỗ xe với người đi học, đi nộp thuế; con đường là để đi chứ không phải để dừng lại mua bán...
 
Mà điều đó thì ngoài tầm với của ngành giao thông. Nó cần những tầm nhìn mới về quy hoạch. Thế nhưng, xem ra đến giờ, chúng ta vẫn chưa có bất cứ chút tín hiệu nào để hy vọng rằng xe máy đã đến lúc phải lùi vào lịch sử để nhường chỗ cho những chiếc ô-tô giá rẻ, an toàn và nhân văn như Tata chẳng hạn.

TRUNG HỒ

;
.
.
.
.
.