.

Thời cơ để thị trường hóa ngành điện

Dư luận cả nước rất băn khoăn nhiều năm nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được bao cấp nên độc quyền, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng điện và sự phát triển của ngành điện Việt Nam.

Mới đây, Bộ Công thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt “Đề án xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam và kế hoạch chuyển đổi”. Đề án này có thể là bước đột phá lớn để phát triển ngành điện đã được trình Thủ tướng Chính phủ. Nội dung cơ cấu lại ngành điện để tạo ra cơ chế cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền.

Dự án bắt đầu bằng việc tách Tổng Công ty Truyền tải điện ra riêng, không trực thuộc EVN như hiện nay. Trung tâm Điều độ điện cũng sẽ tách khỏi EVN thành Công ty Vận hành hệ thống và thị trường điện, v.v.. Nếu được như vậy, cơ chế thị trường trong sản xuất, phân phối điện sẽ được tái lập. Lúc đó, EVN chỉ còn đi mua lại điện của các nhà máy, bán buôn cho các công ty phân phối điện và hưởng chênh lệch. Đó là lối đi hợp lý để cơ cấu lại ngành điện theo cơ chế thị trường.

Ngày 8-1-2009, Văn phòng Chính phủ đã gửi đề án để các bộ, ngành góp ý kiến. Ngày 23-1-2009, Chủ tịch HĐQT EVN đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ “phản đối” đề án. EVN cho rằng: Đề án tập trung chủ yếu vào sắp xếp EVN nên đề án chưa phù hợp với các chủ trương của Đảng và Chính phủ về mô hình tập đoàn điện lực. Vì vậy, EVN không nhất trí với đề án do phương án đề xuất thiếu tính khả thi và ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng (ANNL) quốc gia”.

Vừa qua, đất nước thiếu điện gay gắt, tức là ANNL không bảo đảm. ANNL là phải có lượng điện trên lưới dự phòng (khoảng 20%), nhưng bây giờ có bao nhiêu phát bấy nhiêu mà còn thiếu, có sự cố là không có gì bù đắp. ANNL quốc gia phải được Chính phủ nắm, thông qua Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh điện độc lập. Càng chậm cơ cấu lại ngành điện theo cơ chế thị trường, khi EVN còn độc quyền thì ANNL càng không bảo đảm.

Chuyện chưa đến hồi kết thì mới đây, cuộc tranh cãi giữa EVN và PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã làm xuất hiện thời cơ để Chính phủ có thể đi đến quyết định việc thị trường hóa ngành điện. Theo VnExpress, EVN vừa có thông báo về nguy cơ thiếu hơn 1,07 tỷ kWh điện trong mùa khô 2009, vì một phần thuộc trách nhiệm PVN khi không cung cấp đủ lượng khí theo yêu cầu sản xuất. EVN cho rằng, nếu nguồn nguyên liệu khí phục vụ cho nhà máy điện tiếp tục thiếu hụt thì khả năng mùa khô năm nay sẽ thiếu điện trầm trọng.

Nhu cầu điện 6 tháng mùa khô này gần 41 tỷ kWh, sản lượng của EVN chỉ hơn 25 tỷ kWh. Ngoài ra, phải huy động các nhà máy ngoài EVN, trong đó chủ yếu là các nhà máy thuộc PVN: Cà Mau 1, 2 và Nhơn Trạch 1. Nhưng 2 tháng đầu năm 2009, các nhà máy của PVN này do lượng khí cung cấp thiếu hụt, chỉ đạt trên một nửa so với nhu cầu, nên sản lượng của nhà máy Nhơn Trạch 1 trong tháng 2 chỉ đạt gần 120 triệu kWh, thấp hơn khoảng 210 triệu kWh so với kế hoạch.

PVN thông báo nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hụt sản lượng điện của 3 nhà máy nhiệt điện khí trên hệ thống điện quốc gia trong 2 tháng qua là do EVN đã không huy động hết công suất điện theo khả năng cấp khí của PVN. PVN khẳng định, trong dịp Tết, EVN chỉ huy động một tổ máy nhà máy Cà Mau 1, riêng các tổ máy của nhà máy Cà Mau 2 phải ngừng hoàn toàn, dẫn tới giảm sản lượng phát điện 30%. Mức huy động công suất thấp của EVN đối với 2 nhà máy này còn kéo dài. Có lúc chỉ huy động 50% công suất. PVN cho rằng, nếu EVN huy động hết theo khả năng cấp khí của PVN thì tháng 2-2009 không hề có chuyện thiếu điện do thiếu khí của các nhà máy này.

Trong cuộc tranh cãi này, EVN nắm đằng chuôi, có thế mạnh hơn vì vừa sản xuất điện vừa quản lý việc điều độ, truyền tải điện, phân phối điện. PVN bị động hơn. Như vậy, chỉ cần Chính phủ cho phép Bộ Công thương tách phần điều độ, huy động nguồn điện, truyền tải điện ra riêng, thành lập Tổng Công ty độc lập với EVN, PVN và các nhà máy điện các thành phần kinh tế khác, sau đó EVN sẽ mua điện qua Tổng Công ty này để bán lẻ, thì sự “tranh cãi” của EVN và PVN sẽ chấm dứt, lúc đó thị trường điện sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh, nhà máy nào làm ra giá điện cao sẽ chịu lỗ, không đáp ứng kế hoạch huy động nguồn điện sẽ bị phạt, v.v... Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí (PVN) cũng thiết tha đề nghị Chính phủ như vậy.

Hãy chớp lấy thời cơ để sớm hình thành thị trường điện lành mạnh ở nước ta.

NGÔ MINH KHÔI

;
.
.
.
.
.