.
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 30/2008/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NGĂN CHẶN SUY GIẢM KINH TẾ, DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI Ở ĐÀ NẴNG

Doanh nghiệp duy trì hoạt động, người lao động có việc làm

.

Theo báo cáo mới đây của UBND thành phố với Đoàn công tác Chính phủ: Thành phố Đà Nẵng thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm kinh tế bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Khảo sát ngẫu nhiên 38 doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất cho thấy: 47% DN đã hạ giá thành sản phẩm, 11% giữ giá, số còn lại chưa hạ giá do hàng tồn kho còn nhiều. Nhờ vốn vay hỗ trợ lãi suất theo tinh thần Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh và tăng số lượng lao động.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Ngay sau khi có Quyết định 131/QĐ-TTg, UBND thành phố đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thành phố Đà Nẵng và các ngân hàng thương mại trên địa bàn khẩn trương thực hiện chủ trương này và báo cáo tình hình thực hiện hằng tuần. Tính đến 31-3, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã giải ngân theo cơ chế hỗ trợ lãi suất 4.015 tỷ đồng. Dư nợ cho vay phân theo thành phần kinh tế:
 
Doanh nghiệp vay 3.881 tỷ đồng (96,66%), HTX vay 3 tỷ đồng (0,07%), cá nhân và hộ sản xuất vay 65 tỷ đồng (1,62%), tổ chức khác vay 591 tỷ đồng (1,64%). Nhờ được vay vốn hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Một số DN tăng nhu cầu sử dụng lao động như Công ty cổ phần Sản xuất - thương mại Hữu Nghị tăng 200 lao động, Công ty cổ phần Thủy sản Đà Nẵng tăng 100 lao động. Ý kiến của lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt may 29-3 cho biết: Quyết định 131 là “phao cứu sinh” cho DN, giúp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, có giá bán hợp lý, kích thích nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
 
Theo Công ty cổ phần sứ Cosani, vốn hỗ trợ lãi suất đã giúp công ty ổn định sản xuất, mở rộng thị trường, duy trì việc làm cho hơn 300 lao động. Đại diện Công ty TNHH Tuấn Linh Đặng Tuấn cho rằng: Quyết định 131/QĐ-TTg là cú hích vực dậy nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ giải quyết được bài toán vốn để cho ra những sản phẩm có giá thành cạnh tranh.

Đi đôi với thực hiện chính sách tiền tệ, chính quyền thành phố đã chỉ đạo kịp thời các ngành liên quan triển khai thực hiện chính sách tài chính về giảm, hoàn thuế giá trị gia tăng; giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn thành phố. Trong quý 1-2009, thành phố đã thực hiện giảm 50% mức thuế GTGT đối với 19 nhóm hàng, dịch vụ theo tinh thần Thông tư số 13/2009/TT-BTC với 1.143 doanh nghiệp kê khai tương ứng với số tiền được giảm là 27,2 tỷ đồng. Có 88 trường hợp được hoàn thuế GTGT, tương ứng với 132,28 tỷ đồng; 1.750 doanh nghiệp đã kê khai giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, ước tính số thuế được giảm là 15 tỷ đồng/quý.

Nhờ có những giải pháp tích cực của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, chống giảm phát, kích cầu đầu tư nên giá trị sản xuất kinh doanh một số ngành trên địa bàn thành phố tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ. Trong quý 1-2009, thành phố đã giải quyết việc làm cho 4.850 lao động, đạt 13,9% kế hoạch năm.Tuy nhiên, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất chỉ mới giúp DN giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, còn việc tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm vẫn là vấn đề khó khăn.
 
Do đó, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn. Suy giảm kinh tế có khả năng kéo dài qua năm 2010, thành phố đề nghị Chính phủ cần kéo dài thời hạn hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Đề nghị có chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thành phố đề nghị tạm thời chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với số nợ phạt nộp chậm, nếu doanh nghiệp đã nộp xong nợ thuế gốc. Đề nghị miễn, giảm tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1-7-2007 cho DN đã nộp xong số nợ thuế gốc, đồng thời đề nghị không xử phạt chậm nộp thuế đối với nợ lưu cữu, từ các năm trước đối với doanh nghiệp đang gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.