Cách đây vài năm, các chuyên gia phân tích kinh tế trong nước đã cảnh báo doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) Việt Nam: Không nên quá chú trọng đầu tư vào thị trường thế giới mà bỏ quên lợi thế từ thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân. Dù thời gian chưa lâu, nhưng lời cảnh báo đã ứng nghiệm. DN XK nói chung, trong đó có dệt-may hiện đang gặp khó, buộc phải quay về gầy dựng lại thị trường trong nước.Đâu rồi ưu thế XK?
Quần áo thời trang trong nước được ưa chuộng tại Siêu thị Intimex Đà Nẵng. |
Trong buổi làm việc với Bộ Công thương tại Đà Nẵng mới đây, phía thành phố đã báo cáo về nguyên nhân khiến cho giá trị XK đạt thấp là do các DN gặp nhiều khó khăn trong các đơn hàng, thị trường đầu ra bị thu hẹp. Nhất là các đơn hàng từ phía thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU... đã bị cắt giảm. Những tháng đầu năm 2009, Công ty CP Dệt-may 29-3 mặc dù vẫn bảo đảm đơn hàng với trị giá trên 10 triệu USD nhưng không khỏi lo lắng tìm kiếm thị trường mới.
Doanh thu XK trên dưới 900 tỷ đồng mỗi năm của Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ đang là con số “ước mơ” của nhiều DN may mặc XK khác. Đứng trước tình hình không mấy khả quan, nhiều DN dệt-may đóng vai trò chủ đạo của thành phố đang tìm giải pháp nhằm giữ được mục tiêu doanh thu XK trong năm 2009.
Đầu tư thị trường trong nước
Chỉ với doanh thu nội địa hơn 16 tỷ đồng trong năm 2008, tuy nhiên, trong chiến lược của mình, khi các đơn hàng nước ngoài có dấu hiệu sụt giảm, Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ đã chuyển hướng sang thị trường mới. Trong đó, thị trường nội địa được chú trọng gần 5 năm nay. Với mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm sợi và may, Hòa Thọ phấn đấu đạt 950 tỷ đồng (2009), trong đó doanh thu trong nước chiếm 14% và XK chiếm 86%.
Đánh giá về thị trường nội địa, ông Nguyễn Đức Trị, Phó Tổng Giám đốc cho rằng, thị trường nội địa không phải là chuyện một sớm một chiều, nói làm là làm được mà phải xây dựng về lâu dài nhằm giải quyết mặt hàng, thị trường và lao động ngay trong nước. Ông Hồ Hai, Giám đốc điều hành Công ty CP SX - XNK Dệt-may Đà Nẵng (Vinatex ĐN) cũng nhìn nhận: Những năm qua, doanh thu thị trường nội địa của công ty chỉ chiếm trên dưới 10% vì phần lớn tập trung cho XK. Vì vậy, thương hiệu nội địa vẫn còn ít người biết tới. Muốn có chỗ đứng tại thị trường trong nước, rõ ràng phải đầu tư nhiều hơn, phải xây dựng chiến lược rõ ràng để quảng bá hình ảnh.
Được biết, trong kế hoạch của mình, các Tổng công ty đang thúc đẩy việc xây dựng chuỗi liên kết giữa các DN dệt-may miền Trung, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thời trang trong nước để tăng doanh thu. Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống phân phối tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị khác, chủ đạo việc bán lẻ và thông qua các triển lãm, hội chợ khu vực miền Trung.
Điều đáng mừng, trong vài tháng trở lại đây, hàng thời trang mang thương hiệu Hachiba, Vinatex, Hòa Thọ... đã trở thành sản phẩm tin dùng của người dân thành phố Đà Nẵng. Thông qua các chuỗi cửa hàng kinh doanh, siêu thị, khách hàng dễ dàng tìm thấy những chiếc khăn mặt, những bộ quần áo hợp vóc dáng... mà cách đây vài năm, chúng ít nằm trong tầm ngắm của nhiều người.
Chú trọng mở rộng thị trường nội địa và duy trì ổn định tăng trưởng kim ngạch XK, DN dệt-may trong nước đã chấp nhận cạnh tranh trên cả sân khách lẫn sân nhà. Dẫu biết rằng cạnh tranh trên sân nhà cũng không dễ khi hàng Trung Quốc, Thái Lan đang phổ biến tại Việt Nam. Sự chuyển hướng đầu tư của các DN may mặc sẽ đem lại hiệu quả khi có sự quyết tâm và cách đi đúng.
Bài và ảnh: Duyên Anh