Chủ trương hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định 131/QĐ- TTg của Chính phủ đã và đang đi vào cuộc sống, giúp các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu nông-lâm-thủy sản giải quyết được khó khăn về nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Cùng với các doanh nghiệp, các nông hộ, chủ trang trại và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản cũng đang có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này.
Có thêm vốn vay, chị Nguyễn Thị Quý ở phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) đã mở rộng quy mô chăn nuôi gà. |
Hiện tại, ngân hàng đang phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành các thủ tục cần thiết và phê duyệt hồ sơ vay vốn. Anh Trần Đức Quốc, chủ trang trại nuôi heo rừng ở xã Hòa Ninh (Hòa Vang) cho biết: Theo hướng dẫn, tiếp cận với nguồn vốn này không khó, ngân hàng cho biết sẵn sàng giải ngân nếu có nhu cầu. Hiện tại, trang trại đang triển khai lập dự án và hoàn tất các thủ tục vay vốn theo quy định, chắc chắn sẽ được giải ngân trong thời gian tới. Theo anh, nguồn vốn này sẽ dùng mở rộng quy mô trang trại và mua thêm con giống.
Cũng từ nguồn vốn này, ông Trần Anh Thái, cán bộ về hưu đã xây dựng thành công trang trại nuôi heo rừng ở thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên. Tuy mới hình thành, nhưng nhờ có đủ vốn nên quy mô trang trại khá cơ bản. Chỉ riêng đàn heo giống đã hơn 100 triệu đồng. Anh Thái cho hay: không có vốn từ gói kích cầu không dám nghĩ đến việc lập trang trại.
Còn anh Trương Đình Nam, chủ hộ nuôi tôm sú ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên rất lạc quan về hoạt động kinh tế của mình, kể từ khi tiếp cận được chủ trương cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Anh cho biết: Từ trước đến nay, đầu tư sản xuất chủ yếu dựa vào vốn của ngân hàng, nhưng trước đây phải thế chấp tài sản và không vay được nhiều. Nay nghe hướng dẫn, vay vốn không phải thế chấp tài sản lại được hỗ trợ lãi suất 4%/năm, ai chẳng phấn khởi. Đã làm hồ sơ rồi, khả năng sẽ được giải ngân trong thời gian tới. Số vốn đó sẽ được đầu tư mua sắm trang thiết bị và mở rộng quy mô nuôi tôm.
Nguồn vốn từ gói kích cầu của Chính phủ như làn gió lành thổi vào lĩnh vực nông-lâm-thủy sản. Tuy vậy, cho đến nay số nông hộ, chủ trang trại, HTX tiếp cận được nguồn vốn này chưa nhiều. Ông Phan Văn Nhiên, Chủ nhiệm HTX DVNN Hòa Tiến 1, xã Hòa Tiến (Hòa Vang) cho biết: Từ trước đến nay, HTX rất khó tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, đơn giản chỉ vì không biết lấy thứ gì để thế chấp.
Vốn từ gói kích cầu thông thoáng hơn về điều kiện vay, không phải thế chấp, nhưng lại ràng buộc về vốn đối ứng, tức là tài sản hiện có. Mà để chứng minh nguồn vốn tự có 2 tỷ đồng không đơn giản, vì tài sản HTX có nhưng lan man lắm. Hiện tại, HTX vẫn đang lập thủ tục xin vay, chưa rõ có giải ngân được không. Hoặc như ông Trần Quốc Chính ở xã Hòa Phú đang cần vốn để phát triển đàn bò, nhưng nghe qua các điều kiện và thủ tục vay, ông lắc đầu cho biết: không hề đơn giản.
Quản lý chặt nguồn vốn từ gói kích cầu của Chính phủ, giải ngân đúng đối tượng là hoàn toàn hợp lý, bởi có như vậy mới hạn chế thấp nhất rủi ro thất thoát về vốn, đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc chủ động triển khai cho vay, ngân hàng cùng chính quyền địa phương cần phổ biến kỹ hơn về chính sách này cho đông đảo nhân dân biết, tạo điều kiện cho hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này, mạnh dạn đầu tư sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Bài và ảnh: Hoài Nam