.

Xác định nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế

.

Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức hội thảo tại Đà Nẵng về chủ đề “Thu hút, huy động và sử dụng một số nguồn lực cho phát triển kinh tế”. Trong đó, vấn đề xác định nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế được luận bàn với tư duy mới, góc nhìn mới…

Nguồn lực phát triển

Các đại biểu tham gia Hội thảo “Thu hút, huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế”.

Theo Viện Chiến lược Phát triển, giai đoạn 2010-2020, chiến lược phát triển của đất nước được xác định mục tiêu là “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để Việt Nam trở thành nước công nghiệp”. Với mục tiêu này, ngay từ bây giờ, các địa phương cần nhanh chóng xác định nguồn lực và động lực cho phát triển. Theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, thành phố Đà Nẵng là địa phương đi đầu cả nước về công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. PGS-TS Bùi Tất Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển cho rằng, khái niệm về nguồn lực hiện đang được hiểu theo nghĩa hẹp và rất khó cho việc ban hành các văn bản thực thi các định hướng phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Thắng viện dẫn: các nguồn lực như nguồn lao động, đất đai, vốn, tài nguyên… thì hầu như quốc gia nào cũng có. Những nguồn lực như thế là chưa đủ, bởi kinh nghiệm truyền thống của cha ông đã từng đúc kết “một người lo bằng cả kho người làm”. Nguồn lực là lao động nhưng lao động hiệu quả cao cần có những con người có trí tuệ, lao động sáng tạo. Ngành Du lịch Việt Nam là một ví dụ, bởi 10 năm qua, Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sau thời gian đó, dấu ấn về những thành tựu trong phát triển du lịch chưa rõ nét. Vấn đề ở đây là nguồn lực cho phát triển du lịch có hạn, quá tung hô về tiềm năng chưa thực chất, chưa nổi trội so với thế giới.

Theo Viện Chiến lược Phát triển, nguồn lực hiện nay cần được đầu tư: thứ nhất là đội ngũ tinh hoa (người hiền tài) là nguồn lực quan trọng nhất. Đất nước và mỗi địa phương đều cần có những cá nhân quyết đoán, hành động xuất chúng bằng những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo một cách táo bạo, thông minh, khôn ngoan.

Một Singapore với nhân vật Lý Hiển Long xuất chúng, một Liên bang Nga với lãnh tụ Putin đưa nước Nga bước vào một trang sử mới, tầm vóc mới khi đã vượt qua một thời kỳ rệu rã về kinh tế. Thứ hai là nguồn lực về thông tin. Thế giới hiện đang phát triển một nền kinh tế toàn cầu. Do đó, thông tin là nguồn lực quan trọng và trong môi trường này “ai có nhiều thông tin” người đó thắng. Chặng đường phát triển mới, đất nước cần có một hệ thống thông tin quốc gia kết nối cùng với các địa phương ra thế giới.

Thứ ba là nguồn lực từ hệ thống văn bản pháp luật. Văn bản pháp luật đúng sẽ phát huy tính hiệu quả cao. Văn bản sai sẽ là lực cản cho phát triển kinh tế.

Động lực phát triển

Viện Chiến lược Phát triển cho rằng, lâu nay chúng ta đang lúng túng về xác định động lực phát triển. Ví dụ, lĩnh vực khoa học- công nghệ hay giáo dục-đào tạo là động lực phát triển? Khi thể chế hóa chủ trương này ra các chính sách để khai thác thì rất lúng túng. Do đó, động lực cơ bản cho phát triển là lợi ích kinh tế, đây là lợi ích thường trực đối với mọi cá nhân, tập thể và cả quốc gia.
 
Phát triển kinh tế không thể xem nhẹ lợi ích vật chất, lợi nhuận. Thứ hai là động lực về tinh thần dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, Cách mạng Việt Nam đi đến thành công chính là nhờ vào động lực từ tinh thần dân tộc, xây dựng chí hướng phấn đấu. Các vận động viên ra đấu trường thể thao quốc tế đã vượt qua chính mình bởi lòng tự hào dân tộc sắt đá trong ý chí. 
      
 

Đà Nẵng cần phát triển về quy mô dân số ( PGS-TS Bùi Tất Thắng,- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển)

“Đà Nẵng có nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở miền Trung-Tây Nguyên. Điểm yếu của kinh tế Đà Nẵng hiện là tính liên kết kinh tế vùng còn yếu. Để Đà Nẵng thực sự là đầu tàu trong phát triển kinh tế-xã hội ở miền Trung-Tây Nguyên, cần tăng quy mô dân số. Theo Tổ chức Jica (Nhật Bản), Đà Nẵng cần tăng quy mô dân số gấp đôi hiện nay.
 
Về chiến lược phát triển, cần chủ động khai thác các nguồn lực sẵn có. Đặc biệt quan tâm nhiều đến vấn đề liên kết kinh tế bằng thực lực không bằng các ký kết khô cứng mà xây dựng các mối liên kết tự nguyện, chia sẻ các lợi ích kinh tế lâu dài với các địa phương khác một cách tự nguyện và các địa phương đều cùng có lợi”.

 

 

Chú trọng đổi mới thông tin xúc tiến đầu tư (Ông Lâm Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng)

“Thông tin hiện nay thực sự là nguồn lực cho phát triển kinh tế. Thông tin về Đà Nẵng đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư hiện diễn ra theo hướng tích cực như các thông tin về hội chợ giới thiệu việc làm, thông tin đào tạo nguồn nhân lực từ các trường đại học và mới đây là Đà Nẵng kêu gọi và xúc tiến đầu tư KCN công nghệ cao. Nguồn thông tin sẽ chuyển tải qua các trang thông tin điện tử, giao dịch thương mại điện tử, đấu thầu điện tử…”.

 
                                       
N.P

;
.
.
.
.
.