.

Áp lực tăng lãi suất huy động

.

Đến thời điểm này, không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có quy mô nhỏ điều chỉnh tăng lãi suất (LS) huy động, mà ngay cả các NHTMCP có quy mô lớn cũng đẩy LS huy động tăng lên. Và khi LS huy động ở các NH trở nên “nóng” sẽ tạo ra áp lực không nhỏ đối với hoạt động của chính bản thân NH.

NH lớn vào cuộc

LS huy động có thể tăng lên đến 10%/năm.

Cách đây chưa lâu, cuộc “đua” tăng LS huy động thường diễn ra ở các NHTMCP có quy mô nhỏ, thế nhưng ở thời điểm này, các NHTMCP có quy lớn cũng bắt đầu điều chỉnh tăng LS huy động, khiến thị trường huy động vốn trở nên căng thẳng hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện mức LS huy động cao nhất ở một số NH đã lên đến 9,5% và mức độ cạnh tranh về huy động vốn ở các NH cũng nóng dần lên khi hàng loạt các NH đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn cho khách hàng gửi tiền.

Theo nhận định của một số NH, mức LS huy động sẽ không dừng lại ở 9,5% mà còn có khả năng lên đến 10% trong thời gian đến. Cách đây không lâu, khi LS huy động cao nhất ở Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) là 9,3% thì đến thời điểm này đã tiến đến mức 9,5%. Hiện tại, khách hàng gửi tiền không kỳ hạn tại Maritime Bank sẽ được hưởng LS 3%/năm; kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng được hưởng LS lần lượt là 7,8 - 8 - 8,1 - 8,35%/năm. Đặc biệt, đối với các kỳ hạn dài như 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, Maritime Bank áp dụng mức LS cao nhất cho khách hàng lần lượt là 9 - 9,3 - 9,5%/năm.

Ngày 14-5, NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng tăng LS huy động tiền đồng ở hầu hết các kỳ hạn, mức tăng cao nhất là 1,3%. Theo đó, mức LS hấp dẫn nhất hiện nay tại Techcombank là trên 9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Bên cạnh đó, LS tiết kiệm cũng được áp dụng khác nhau ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Riêng LS huy động tiền đồng áp dụng tại khu vực miền Nam cao hơn khu vực miền Bắc và miền Trung 0,1%. Các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng đối với hình thức tiết kiệm Phát Lộc mức LS dao động trong khoảng trên 8% đến trên 9%/năm. Ở các kỳ hạn dưới 12 tháng, Techcombank áp dụng mức LS trên 7% đến trên 8%/năm.
 
Ngoài ra, Techcombank còn áp dụng chương trình tặng LS với tên gọi “Có thẻ trong tay, tặng ngay LS tiết kiệm” cho các khách hàng gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, USD và EUR. Ngoài NHTMCP có quy mô lớn như Techcombank điều chỉnh tăng LS huy động trong đợt này, trong đó còn có sự tham gia của một số NH khác như Ngân hàng Á Châu (ACB), NH Quân đội…

Áp lực đối với NH?

Theo giải thích của ông Trần Trọng Vinh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHTMCP Đông Á, việc các NH điều chỉnh tăng LS huy động tiền đồng trong thời gian qua cho thấy, các NH đang triển khai tốt chương trình cho vay hỗ trợ LS 4%/năm theo quy định của Chính phủ. Vì thế, việc tăng LS huy động ở các NH để cân bằng giữa LS đầu vào và đầu ra, bảo đảm nguồn vốn cho vay.

Bên cạnh đó, các NH đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản nên cũng cần có lượng vốn dồi dào. “Hiện chương trình giải ngân 24 phút của NH Đông Á thực hiện trong thời gian qua đã thu hút được một lượng khách hàng lớn đến vay vốn, điều này đã lý giải vì sao các NH buộc phải tăng LS huy động”, ông Vinh nói.

Trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã giảm LS tái cấp vốn, LS chiết khấu xuống còn lần lượt ở mức 7% và 5%, đồng thời giữ nguyên LS cơ bản ở mức 7%. Thế nhưng bất chấp việc LS cơ bản được giữ nguyên 7%/năm, các NH vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng LS huy động lên đến 9,5% (mức này gần sát với trần LS cho vay 10,5%/năm - PV). Vậy có thể khẳng định rằng, các NH tăng LS huy động trong điều kiện hiện nay cũng đồng nghĩa với rủi ro không nhỏ.

Chẳng hạn, nếu LS cơ bản tăng thì việc tăng LS huy động sẽ có lợi (đặc biệt có lợi tăng LS ở kỳ hạn dài). Tuy nhiên, nếu LS cơ bản giảm sẽ có nhiều rủi ro đến với các NH, nhất là khi một phần của gói hỗ trợ LS sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2009. Hiện tại, LS huy động ở một số NH chỉ còn cách LS đầu ra khoảng 1%, với khoảng cách này thì các NH chỉ còn cách trông chờ vào cho vay hỗ trợ LS và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng theo hình thức LS thỏa thuận, nếu không các NH khó đạt được mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Tại các cuộc họp giữa NHNN Đà Nẵng với các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong thời gian qua, hầu hết các ý kiến từ phía NHNN đều cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc điều chỉnh “nóng” tăng LS huy động chưa hẳn đã thuận lợi, thậm chí các NH có thể còn gặp rủi ro về tín dụng. Vì vậy, các NH không nên chạy “đua” về LS huy động mà phải tính toán cân bằng giữa đầu vào - đầu ra của đồng vốn để điều chỉnh LS cho hợp lý. Bên cạnh đó, các NH cần phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng tín dụng để tránh rủi ro về hoạt động tín dụng khi LS huy động đang có xu hướng tăng như hiện nay.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.