.

Bảo vệ người tiêu dùng

Trong những năm qua, chính sách mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, thu nhập và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kinh tế thì những mặt trái, mặt tiêu cực của cơ chế thị trường cũng phát sinh và phát triển.

Vì lợi nhuận trước mắt, không ít cá nhân, tổ chức đã SXKD, nhập khẩu các loại hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm mất an toàn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Mặc dầu Nhà nước ta đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh, song tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trong cả nước nhìn chung vẫn còn diễn biến phức tạp. Rau quả vẫn còn dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật cao vượt mức cho phép.

Sữa có hàm lượng đạm thấp so với tiêu chuẩn. Nước uống đóng chai có chứa các loại vi sinh. Bánh Trung thu quá hạn sử dụng. Hàng giả, hàng kém chất lượng còn xâm nhập vào các siêu thị. Môi trường sinh thái tại các khu công nghiệp và vùng ven bị suy thoái. Các loại bệnh dịch trên gia cầm và gia súc ngày càng nguy hiểm…

Tại thành phố Đà Nẵng, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố và sự phối hợp của các ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm có khả quan hơn, song vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục chấn chỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực SXKD các loại thực phẩm ăn liền (giò chả, chả cá và các loại thực phẩm ăn liền). Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2008, ngành y tế đã kiểm tra 7.945 cơ sở, có 1.234 cơ sở vi phạm, trong đó phạt cảnh cáo 998 cơ sở, phạt tiền 171 cơ sở, hủy sản phẩm của 65 cơ sở.

Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính? Từ thực tế công việc và tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

 Đối với cơ quan của Nhà nước: Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm và pháp luật liên quan. Tuyên truyền luật và các loại văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng-an toàn vệ sinh thực phẩm và liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức, sao cho mọi người dễ nhớ, dễ hiểu để cùng nhau thực hiện.

Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tại cơ sở và trên thị trường để kịp thời phát hiện các cơ sở SXKD các loại hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, có chứa các chất độc hại. Hướng dẫn nông dân sử dụng đúng liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

Thiết lập hệ thống thông tin quản lý kiểm dịch động vật, thực vật và sản phẩm động-thực vật tươi sống, sơ chế; thực hiện thông báo tình hình dịch bệnh động, thực vật có khả năng lây nhiễm sang người. Kiểm tra chặt chẽ chất lượng các loại hàng hóa thực phẩm nhập khẩu trước khi thông quan. Ngăn chăn triệt để việc nhập lậu thực phẩm tươi sống và rau quả qua biên giới. Thông tin kịp thời những cơ sở SXKD các loại thực phẩm kém chất lượng, có chứa các chất độc hại. Xử lý nghiêm minh các cơ sở sản xuất kinh doanh các loại hàng hóa và thực phẩm kém chất lượng, có chứa các chất độc hại.

Đối với các nhà SXKD: Phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng-an toàn vệ sinh thực phẩm. Phải thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc công bố hợp quy, hợp chuẩn các loại hàng hóa thực phẩm do mình sản xuất theo đúng quy định của Nhà nước và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình. Thường xuyên tiến hành thử nghiệm các lô sản phẩm để theo dõi chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường.
 
Phải thực hiện nghiêm chỉnh việc ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định của Nhà nước. Sản phẩm hàng hóa sản xuất ra luôn thỏa mãn mọi yêu cầu của khách hàng, đây là điều kiện tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Xây dựng các thương hiệu mạnh về các loại rau quả sạch, thực phẩm an toàn.
 
Hàng hóa bán ra phải có nguồn gốc xuất xứ, bao gồm phiếu thử nghiệm chất lượng, hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, hoặc công bố hợp quy, hợp chuẩn và phải có nhãn hàng hóa. Không nhận bán các loại hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng. Khi phát hiện các loại hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng quá hạn sử dụng thì báo ngay cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

 Đối với người tiêu dùng: Nắm chắc pháp luật và các quy định khác của Nhà nước và của thành phố về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để tự bảo vệ mình và bảo vệ mọi người trong mọi tình huống khi bị xâm hại.

Kiên quyết tẩy chay không mua và vận động mọi người không mua các loại hàng hóa của các cơ sở SXKD không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước (hàng lậu, hàng không có hồ sơ công bố, không ghi nhãn theo đúng quy định, không dán tem…). Khi phát hiện các cơ sở SXKD các loại hàng hóa bất hợp pháp, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, báo ngay cho cơ quan Nhà nuớc có thẩm quyền để xử lý. Ủng hộ và vận động mọi người cùng ủng hộ các nhà SXKD chân chính, cùng nhau xây dựng nền thương mại văn minh, lành mạnh, trong sạch và bền vững.
                       
NGUYỄN ANH TUẤN (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng)
                           
                                  

;
.
.
.
.
.