.

Các giải pháp bảo vệ môi trường trong khai khoáng bô-xít ở Đắk Nông

.

Nước ta có nguồn tài nguyên bô-xít thuộc loại lớn, với trữ lượng khoảng 7 tỷ tấn và được xếp vào hạng thứ ba trên thế giới, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên. Trong đó, riêng tỉnh Đắk Nông chiếm khoảng 60% trữ lượng của cả nước, với hàm lượng tinh quặng lên đến 50% và mỏ lộ thiên trên các quả đồi, nên việc khai thác khá thuận lợi.
 

Đại tá Bùi Quang Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ giới thiệu các giải pháp bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumin và nhôm kim loại ở tất cả các nước trên thế giới luôn gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết môi trường và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ (thuộc Tập đoàn Than-khoáng sản Việt Nam-TKV) - chủ đầu tư dự án khai khoáng bô-xít ở Đắk Nông - đã bám sát ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, nghiên cứu đưa vào áp dụng các công nghệ mới tiên tiến nhằm bảo vệ môi trường một cách tốt nhất.

Đại tá Bùi Quang Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ (VNAC) cho biết: VNAC cam kết tuân thủ chặt chẽ các giải pháp bảo vệ môi trường. Để thực hiện điều này, chúng tôi sẽ đầu tư thiết bị hiện đại để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, áp dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong việc khai thác, chế biến quặng bô-xít đi liền với hoàn thổ, trồng và bảo vệ rừng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng dự án, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Bên cạnh đó, sẽ chú trọng xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát thường xuyên về khí, bụi, chất thải, nước… nhằm đánh giá chính xác và có giải pháp xử lý đối với các tác nhân gây ô nhiễm trong quá trình hoạt động.

Riêng về việc xử lý bùn đỏ (một chất thải sau quá trình sản xuất alumin) đã được VNAC tính toán kỹ lưỡng, việc xây dựng hồ chứa sẽ do nhà thầu EPC (Công ty TNHH công trình quốc tế Nhôm,Trung Quốc)  thiết kế và cam kết thực hiện đúng các tiêu chuẩn hiện hành về môi trường của Việt Nam. Do trong bùn đỏ có chứa một lượng xút dùng trong công nghệ sản xuất alumin nên việc xử lý sẽ bảo đảm tính triệt để, trong đó có phần thu hồi lượng xút dư để tái sử dụng.
 
Ngoài ra, còn để bảo đảm an toàn về nguồn nước và hoàn nguyên phục hồi nhanh môi trường, hồ chứa bùn đỏ được thiết kế phủ bằng lớp đất sét đầm chặt và lớp vật liệu địa kỹ thuật, bảo đảm chất thải không thấm được ra môi trường chung quanh. Hồ thải được xây dựng nhiều hệ thống đập chia hồ thành nhiều ngăn để thải theo từng giai đoạn và bảo đảm an toàn khi có tác động của thiên nhiên. Theo tính toán, tuổi thọ khai thác của hồ bùn đỏ khoảng từ 10-12 năm. Sau khi chứa đầy, hồ chứa bùn đỏ sẽ được làm khô và phủ đất lên bề mặt và có thể trồng cây xanh hoặc xây nhà trên đó.

Khai thác bô-xít ở Đắk Nông.

Với bề dày khoảng từ 1 - 8m, phân bổ dưới lớp đất phủ dày trung bình 1 - 1,2m, nên việc khai thác quặng khá thuận lợi. Cũng theo ông Tiến, vấn đề quan trọng đối với dự án bô-xít ở Đắk Nông là khâu hoàn thổ sau khai thác. Dự kiến việc khai thác quặng bô-xít sẽ được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu, hoàn thổ đến đó.

VNAC có thể thuê đất của dân để khai thác trong vòng 1-2 năm và sau đó hoàn thổ, giao lại cho chủ cũ hoặc địa phương quản lý sử dụng. Chính vì vậy, khu vực khai thác sẽ không bị mất đất vĩnh viễn, đất đai hoang hóa hoặc cằn cỗi, năng suất thấp sẽ được cải tạo để trồng rừng lại hoặc trồng cây công nghiệp. Hiện tại Tập đoàn TKV đã có chủ trương xây dựng một Trung tâm Lâm - sinh ở Tây Nguyên và Nhà máy sản xuất phân hữu cơ để phục vụ cho quá trình hoàn thổ sau khai thác.

Khai thác và chế biến bô-xít có tác động đến môi trường, hệ sinh thái và xã hội của cả Tây Nguyên. Chính vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội… là yêu cầu đầu tiên. Trong đó, vấn đề môi trường cũng không kém phần quan trọng.

Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Ðắk Rlấp, Ðắk Nông), bao gồm tổ hợp Nhà máy tuyển quặng bô-xít công suất 1,6 triệu tấn quặng tinh bô-xít/năm và Nhà máy Alumin công suất 650 nghìn tấn alumin/năm, với vốn đầu tư dự kiến 11.581 tỷ đồng, và được xây dựng trên tổng diện tích đất khoảng 851ha, gồm nhiều hạng mục như khu vực nhà máy, khu vực hồ thải bùn, khu vực hồ thải xỉ, hệ thống hồ chứa nước…


Bài và ảnh: THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.