.

Chở “chợ” lên... núi

.

Chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 20 cây số về hướng Tây, thôn Phú Túc thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang nằm lọt thỏm giữa núi rừng tĩnh mịch. Xa trung tâm huyện lỵ, Phú Túc trở nên tĩnh lặng, trừ khi những chiếc xe máy từ dưới xuôi lên, rồ ga chạy - chở hàng hóa bán cho bà con dân tộc Cơtu. Chúng tôi gọi những chiếc xe của những người bán hàng rong này là những cái “chợ di động”, bởi trên chiếc xe gắn máy nhỏ nhoi ấy là một cái chợ thu nhỏ theo đúng nghĩa đen của nó, với đầy đủ các thứ vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt thường nhật của con người.

Người bán hàng lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại, trong lúc bày “chợ di động” ra bán ngay trên đường thôn Phú Túc.

Trong một giờ đồng hồ, chúng tôi đếm khoảng 6 cái “chợ di động” lỉnh kỉnh thay phiên nhau trườn qua những con đường dốc chạy ngang qua nhà anh Mạc Duy Phước nằm ngay dưới chân núi. Anh Phước cho biết, một ngày có khoảng 30 cái “chợ di động” chạy ngang qua đây. Hầu hết chủ “chợ di động” đều là phụ nữ. Đặc biệt, càng về trưa, mật độ qua lại càng dày hơn. Bà Lê Thị Vân, một khách hàng quen thuộc của “chợ di động” thổ lộ: Hàng hóa chở lên đây giá bán cũng không chênh lệch bao nhiêu so với các chợ dưới xuôi.

Chẳng hạn, một ống kem đánh răng ở dưới xuôi 14 ngàn đồng thì các “chợ di động” bán 16 ngàn đồng, hay một hộp cơm chay chỉ có 6 ngàn đồng, một chục trứng cút khoảng 4 ngàn... Do không gian ở đây thoáng đãng và yên tĩnh, nên người mua hàng chỉ cần ở trong nhà và ngoắt tay một cái là có thể ngoái đầu ra trao đổi giá cả hàng hóa với người bán hàng ở ngoài đường. Người mua chỉ việc chạy ra đường lấy thức ăn, vật dụng khi được thông báo có những thức ăn tươi và rẻ qua lời mời chào của chủ “chợ”. Theo những người dân ở đây, việc xuất hiện những cái “chợ di động” như thế này ở vùng núi xa xôi rất tiện ích đối với bà con.
 
Hầu hết các gia đình ở Phú Túc suốt ngày bận rộn với công việc đồng áng, hay vào rừng kiếm củi từ tờ mờ sáng đến tận trưa mới về, do đó những lúc “đầu tắt mặt tối”, việc đi chợ thông qua các “chợ di động” sẽ giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian, đặc biệt là rất hữu ích đối với những gia đình không có xe máy và hiếm người như nhà bà Lê Thị Vân. Tuy nhiên, nhược điểm của “chợ di động” là không bảo đảm an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm vì không có ai quản lý, bởi họ không có đăng ký và luôn di động khắp nơi từ địa bàn này qua địa bàn khác. Và liệu những thức ăn bán ế, có ai bảo đảm rằng họ không để qua ngày hôm sau bán tiếp?

Chị Nguyễn Thị Thủy, người bán hàng trên “chợ di động” bộc bạch: “Hàng hóa chủ yếu được đưa từ chợ Túy Loan lên, nên ở chợ có thức ăn gì tươi, ngon và lạ là chúng tôi bổ sung ngay cho khách hàng. Bà con ở đây còn khó khăn, vì vậy chúng tôi bán hàng với giá tương đối phải chăng. Tuy nhiên, bán hàng cho đồng bào ở đây cũng tiện vì họ không mắc nợ. Vốn liếng thì chỉ cần vài trăm ngàn đồng là có thể kiếm lời vài chục ngàn đồng/ngày, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình”.

Nhìn gương mặt nhễ nhại mồ hôi của chị Thủy, chúng tôi vẫn cảm nhận được niềm vui của chị qua ánh mắt, khi những chiếc sọt đựng rau quả, hải sản, thịt heo, gà, vịt... cứ vơi dần. Còn những người dân Phú Túc lại vui vì không chỉ được mua thức ăn tươi sống ngay tại nhà, mà họ còn có cơ hội để “giao lưu” với những người dưới xuôi về giá cả, chợ búa, thông tin vỉa hè... giữa chốn rừng thâm, nơi người dân chỉ quen với công việc làm nương, làm rẫy và kiếm củi.
      
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG     

          

;
.
.
.
.
.