.

Chờ vốn để mở rộng sản xuất

.

Đang trong thời điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân và một vấn đề thời sự được bàn bạc nhiều trên các cánh đồng là chuyện lúa đã phơi khô, đóng bao sẵn sàng nhưng vẫn vắng bóng người mua. Có hai lý do chính là thương lái thiếu vốn và thị trường nông sản (lúa gạo) đang hồi phục nhưng chưa đủ mạnh để họ tiến hành thu mua rộng rãi. Nên vấn đề vốn và thông tin về gói kích cầu nông nghiệp của Chính phủ đang mở ra nhiều hy vọng để tăng thu nhập cho nông dân, tạo nên một chiến lược phát triển cho nông nghiệp.

Nhu cầu vốn hầu khắp các lĩnh vực

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng có đủ nguồn vốn triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho nông dân.

Năm nay lúa được mùa với năng suất bình quân dự kiến khoảng trên 50 tạ/ha. Thế nhưng nông dân chưa hẳn đã vui bởi giá lúa rớt xuống còn 4.500 đồng/kg, đã thế thương lái lại không tổ chức thu mua khiến lượng lúa thu hoạch về, nhiều hộ không có nơi cất, đành đóng bao chất đầy một góc nhà. Trong khi ở vụ lúa trước, giá lúa đạt 6.000-6.200 đồng/kg, thương lái thu mua lúa tươi ở ngay ngoài đồng. Bà Lương Thị Thiệp ở xã Hòa Tiến, Hòa Vang cho biết, khi bà ngỏ ý với thương lái vấn đề mua lúa, nhiều người đã từ chối vì đang thiếu vốn và những người đi thu mua lúa sẵn sàng cho nông dân mượn một số tiền để đầu tư cho vụ hè thu, chứ họ chưa đủ sức để cân lúa đại trà.

Nhu cầu vốn không chỉ dừng lại ở thương lái mà hầu như người nông dân nào được hỏi cũng bày tỏ nguyện vọng có một nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, hoặc tìm một hướng làm ăn mới. Ông Nguyễn Văn Hòa ở tổ 2 thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến triển khai mô hình trồng nấm rơm được 9 năm nay, có 2 trại nuôi. Trại chính với hơn 250 mô nấm, mỗi lần cho thu hoạch khoảng 25-30kg, mỗi tháng 2 vụ. Giá nấm tính trung bình khoảng 35.000 đồng/kg cho ông một mức thu nhập tương đối khá và ổn định.

Ông đã hai lần vay tiền ngân hàng để đầu tư cho trại nấm và khi biết tin Chính phủ sẽ hỗ trợ nông dân mức lãi suất ưu đãi trong thời gian tới, ông dự định vay mở thêm trại, mua nhiệt kế dùng đo nhiệt độ trại nấm, sửa sang lại nhà xưởng… và trồng thêm nấm sò, nấm bào ngư, những loại mà thị trường khá ưa chuộng. Hiện Câu lạc bộ Nấm của xã Hòa Tiến có 20 thành viên, trại sản xuất khá nhỏ nên tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn. Theo ý kiến của ông Hòa, cả thành phố có hàng trăm hộ dân triển khai làm mô hình trồng nấm thì vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thị trường, chưa kể nhiều tiểu thương ở một số huyện lân cận của Quảng Nam thường xuyên tìm đến chợ đầu mối Hòa Cường thu mua nấm của nông dân.

Gặp nhiều nông dân ở huyện Hòa Vang cũng như các quận có sản xuất nông nghiệp, bà con đều ngỏ ý được vay vốn với mức lãi suất thấp để đầu tư mua một số loại máy móc phục vụ sản xuất như máy cày, máy tuốt, thậm chí cả máy gặt đập liên hợp trị giá khoảng 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Quang Nga, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, nhu cầu vốn của nông dân khá cao vì hầu hết trên các lĩnh vực nông nghiệp đều thiếu vốn, nếu chính sách ưu đãi vốn cho nông nghiệp của Chính phủ được triển khai rộng rãi sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Hiện thành phố có khoảng 32.000 hộ nghèo, tập trung chủ yếu trong nông dân; có khoảng 14.000 người mất đất sản xuất do triển khai các dự án, tập trung chủ yếu ở người lớn tuổi, khó đào tạo nghề phục vụ trong công nghiệp, nên nhu cầu vốn dành cho khu vực nông nghiệp-nông thôn sẽ lớn nhưng giải quyết được nhiều vấn đề thiết thực về việc làm, đời sống cho nông dân.

Những năm qua, Hội Nông dân thành phố đã đào tạo được 205 nông dân làm nghề trồng nấm và trên 90% trong số này đã triển khai mô hình sản xuất; sắp tới sẽ đào tạo 240 nông dân với hai nghề trồng nấm và trồng hoa, chắc chắn sẽ tạo một hướng làm ăn mới cho nông dân, đó là chưa kể hàng trăm nông dân được đào tạo việc làm theo chương trình “Có việc làm” của thành phố, triển khai qua Sở LĐ-TB&XH.

Mục tiêu nâng cao mức sống người dân

Chính phủ đã triển khai gói tín dụng thứ 2 hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn trong gói kích cầu trị giá hơn 17.000 tỷ đồng. Gói kích cầu nông nghiệp hiện đầu tư một cách tổng thể: Cải tạo giống nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung cho thủy lợi, giao thông. Ngoài ra còn đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại...

Và một gói tín dụng ưu đãi thứ 3 theo Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây về cho vay ưu đãi theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo có thể được triển khai bắt đầu từ tháng 5. Chính phủ có thể hỗ trợ 100% lãi suất tập trung hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư đầu tư vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; tăng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn lên gấp đôi so với hiện nay (4.000 tỷ đồng).

Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, với 2 gói tín dụng trước (theo Quyết định 131/QĐ-TTg và 443/QĐ-TTg) ngân hàng có nguồn vốn trị giá 1.300 tỷ đồng và gói tín dụng thứ 3 này có mức vay dự kiến khoảng 150-200 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp đã chủ động đưa chính sách vay ưu đãi đến các khu dân cư thông qua Hội Nông dân, chính quyền xã, phường và qua các hội nghị tín dụng nông thôn hỗ trợ lãi suất.

Hiện thành phố có 12 hợp tác xã, 180 trang trại và hàng nghìn hộ sản xuất lớn, nhỏ nên vấn đề duy trì lãi suất thấp, các ngân hàng có đủ nguồn vốn cung ứng là nhân tố quan trọng giúp các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư phát triển, giữ được thị trường nội địa… Và trong bất kỳ điều kiện nào, ngân hàng nông nghiệp luôn duy trì các hợp đồng tín dụng quy mô nhỏ, đây là điều kiện vừa kích cầu thị trường nội địa, đồng thời nâng cao mức sống người dân.

Dự kiến mô hình 4 nhà gồm: chính quyền, các hội đoàn thể, nhà cung ứng vật tư (trong nước) và ngân hàng sẽ tạo ra một quy trình giải quyết nhu cầu vay vốn của người dân, tạo điều kiện để nông dân có phương tiện làm ăn, từ đó mới nâng cao mức sống cho nông dân. Tạo cần câu cho nông dân, kích thích sản xuất nông nghiệp và khi tăng sản xuất, sẽ lập tức tác động được vào thu nhập của người nông dân, đó cũng là một trong những điều kiện bảo đảm phát triển bền vững, tạo ra một chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn lâu dài.

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.