Từ nhiều năm nay, vấn đề đầu ra cho nông sản vẫn luôn là nỗi trăn trở của nhiều hộ nông dân. Đó không hẳn là câu chuyện có thể giải quyết một sớm một chiều nhưng với quy mô sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, không biết đến khi nào người nông dân mới hy vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy…
Triển khai, nhưng chưa tới
Ven bờ sông Cẩm Lệ, những vựa rau xanh tốt này vẫn chưa vào được hệ thống bán lẻ tại các siêu thị ở Đà Nẵng. |
Đến nay nhiều người vẫn còn nuối tiếc về sự thất bại đó, mà nguyên nhân trên hết vẫn là vấn đề tiêu thụ chưa được tính đến trước khi tiến hành đồng loạt sản xuất những vùng RAT, dù dân số Đà Nẵng hiện nay có 867.000 người (số liệu từ Cục Thống kê Đà Nẵng, tính đến ngày 19-4-2009), chưa kể số lượng lớn công nhân từ khắp nơi đổ về. Tại hàng loạt siêu thị lớn như Big C, Bài Thơ, Metro, rau sạch được sản xuất tại Đà Nẵng vẫn chưa có chỗ đứng.
Dù công tác chuẩn bị cho dự án được triển khai khá công phu và tốn kém, hệ thống nhà lưới, giếng bơm, đường làm bằng bê-tông được xây dựng đến tận ruộng đồng, hộ nông dân được hỗ trợ vốn, quy trình kỹ thuật được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ hướng dẫn. Tại chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Mới…, điểm bán RAT được mở để đưa sản phẩm rau sạch đến tận tay người tiêu thụ. Rau sạch có, điểm bán có nhưng người mua lại ít trong khi giá thuê mặt bằng mở quầy khá cao nên hầu hết các hộ kinh doanh này đã bỏ cuộc.
Theo bà Nguyễn Thị Cần, thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, sở dĩ RAT khi đưa về chợ khó tiêu thụ được vì giá cao hơn giá rau bình thường đến 2-3 lần. Trong khi đó, bằng con mắt thường, người tiêu dùng rất khó nhận biết đó có thật là sản phẩm RAT hay chỉ “treo đầu dê bán thịt chó”. Ngoài ra, có một nghịch lý trong tâm lý tiêu thụ hiện nay là, rau càng nhiều lỗ sâu, càng dễ tin đó là RAT, ngược lại lá rau xanh mướt, cọng rau căng mọng không có dấu hiệu của sâu bệnh lại cảm thấy không an toàn vì nghĩ người sản xuất đã dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun lên trước khi thu hoạch?! Chính suy nghĩ này đã làm cho sức tiêu thụ RAT ở chợ rơi vào vòng luẩn quẩn. RAT sản xuất ra không thu được nhiều lợi nhuận như mong muốn.
Tâm sự về điều này, ông Phan Công Minh, tổ trưởng tổ rau sạch thuộc Dự án xây dựng vùng chuyên canh rau quả sạch tại Hốc Miếu-Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam cho biết, phần lớn rau được chế biến dưới dạng tươi sống nên yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ nông dân có xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân vi sinh tự chế từ phân trâu, bò chưa qua xử lý, tạo môi trường tốt để vi khuẩn phát triển, gây tâm lý không an tâm cho người tiêu thụ.
Các tiểu thương đến tận đồng ruộng để mua nông sản, người nông dân dễ rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”. |
Thiếu liên kết, doanh nghiệp (DN) và nông dân đều thiệt
Vào thời điểm này, bà Trần Thị Loan, thành viên của CLB Rau sạch thuộc tổ 10, thôn Yến Nê 1 trồng rau lang trên toàn bộ diện tích 500m2 của mình vì theo bà, đây là mùa có nhiều loại sâu bọ hại rau, đặc biệt là loài bọ xít, các loại rau khác như cải, mồng tơi, xà lách rất dễ bị chúng gây hại. Hơn nữa đang vào vụ mùa, người dân không có nhiều thời gian để chăm sóc rau, dẫn đến năng suất giảm.
Cũng theo bà Loan, toàn bộ khu vực 3 sào triển khai trồng rau của 7 hộ nông dân của tổ 10 được tiểu thương đến thu mua tại ruộng với giá đồng nhất 3.000 đồng/kg cho các loại rau. Tuy thấp hơn thị trường rất nhiều, nhưng với tâm lý cần đầu ra ổn định, những hộ dân sản xuất tại đây vẫn vui vẻ chấp nhận mức giá đó.
Cùng với RAT, những hộ nông dân trồng nấm rơm tại thôn Yến Nê 2 cũng bán sản phẩm tại chợ đầu mối Hòa Cường với giá trung bình từ 25.000 đồng đến 45.000 đồng/kg. Tiêu thụ ở chợ thường bị các lái thương ép giá, có khi giá mua sỉ chỉ 25.000 đồng/kg nhưng khi đưa ra sạp, một kg nấm đã đội giá gấp 2, 3 lần. Dù thế, người nông dân vẫn không có cách nào tự quảng bá sản phẩm của mình để tạo ra mức thu nhập xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Ngược lại, theo một cán bộ đang công tác tại siêu thị Metro, hiện nay nhiều nhà chế biến và phân phối đang chạy đôn chạy đáo tìm sản phẩm nhằm bảo đảm hệ thống phân phối của mình. Cụ thể, siêu thị Metro mỗi năm cần một số lượng lớn các loại nông sản như rau cải, diếp cá, khoai môn, khoai lang, đậu bắp… nhưng phải nhập hoàn toàn từ các tỉnh bạn như Quảng Nam, Đà Lạt, chịu khá nhiều chi phí vận chuyển và không chủ động được nguồn rau, khâu bảo quản cũng gặp không ít khó khăn.
Nguyên nhân do người dân thiếu thông tin từ các DN có nhu cầu trong khi các DN rất khó tiếp cận với người dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, phần lớn người dân đang làm nông nghiệp theo những thông tin từ các tiểu thương nên thường bị phụ thuộc vào giá của tiểu thương đưa ra. Ngoài ra, trình độ hạn chế của người nông dân cũng gây khó khăn trong việc chung tay với DN để ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Những mặt lợi của sợi dây liên kết này có thể được nhìn thấy như: Về phía DN, họ sẽ có được nguồn thực phẩm tại chỗ bảo đảm về chất và lượng, giảm chi phí vận chuyển và chi phí thu mua. Về phía người sản xuất, việc được các DN bao tiêu sản phẩm đồng nghĩa với nông sản ấy sẽ có chỗ đứng trong thị trường, dần dần tạo được thương hiệu nhất định và đầu ra ổn định để yên tâm sản xuất. Ngoài liên kết với các nhà phân phối, người nông dân cần liên kết với những DN chế biến. Sản xuất thực phẩm an toàn phải đi đôi với việc tiêu thụ ổn định và mang tính bền vững, tránh đầu tư theo kiểu dàn trải, thiếu đồng bộ.
Tiểu Yến