.

Cô sinh viên và ý tưởng về nhà máy sản xuất cồn khô

.

Thành lập nhà máy sản xuất cồn khô 3T với mục tiêu định hướng cho người dân sử dụng những sản phẩm chất lượng, an toàn, tiết kiệm và không nguy hại đến sức khỏe… là ý tưởng của Nguyễn Thị Xuân Phương, sinh viên năm cuối Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng - người vừa đoạt giải 3 Cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh sáng tạo năm 2009” do Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Xuân Phương cùng thầy Trương Phước Ánh trong buổi trao giải “Ý tưởng kinh doanh sáng tạo 2009”.

“Những vụ nổ bình gas, bếp gas mini khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, e dè khi sử dụng nhiên liệu gas. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng cồn khô phục vụ trong việc nấu nướng và trang trí là vấn đề cần đặt ra hiện nay”. Đây là lý do mà Xuân Phương đưa ra để thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình. Phương cho rằng: Cồn khô là sản phẩm thương mại phục vụ cho ngành dịch vụ, mà ngành này là một trong những ưu tiên phát triển hàng đầu của thành phố.

Việc đầu tư sản xuất cồn khô làm chất đốt sạch, an toàn, chịu được gió, không khói, không mùi sử dụng trong nhà hàng, khách sạn, bếp ăn… mở ra hướng ứng dụng mới của cồn khô trong nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang là một cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh. Bởi vậy, Phương đã tìm tòi và bắt tay vào việc nghiên cứu sản phẩm có tính khả thi như sản phẩm phải tiện lợi, giá thành phải rẻ hơn so với giá cồn khô hiện nay, người sử dụng điều tiết được nhiên liệu theo thời gian sử dụng, sản phẩm phải được đóng gói theo phương thức mới, chi phí đầu tư không quá lớn và trên cả là sự an toàn cho người sử dụng (an toàn hơn việc dùng bình gas mini để nấu thức ăn).

Không dừng ở việc nghiên cứu sản phẩm cồn dạng keo, dạng cục để nấu nướng, Phương còn phát hiện ra tính ứng dụng của cồn khô làm đèn trang trí mà theo khảo sát thị trường của cô, các sản phẩm đèn trang trí từ parafin có giá cao rất nhiều so với thu nhập của nhiều người. Nhưng nếu sản phẩm đèn trang trí làm đẹp từ cồn khô kết hợp cùng parafin sẽ giúp giảm giá bán sản phẩm.

Tính đến nay, thành phố Đà Nẵng đã có trên 3.000 nhà hàng, 2.500 quán ăn đường phố và nhu cầu của hàng ngàn hộ dân, việc sử dụng cồn để nấu nướng sẽ rất lớn, trong khi đó, thị trường Đà Nẵng mới chỉ có một vài đơn vị nhập cồn khô về đóng gói và phân phối như Công ty Phúc Đạt... Mặt khác, trên các trang thông tin điện tử hằng ngày vẫn thấy xuất hiện nhiều địa chỉ rao vặt mua bán, kể cả việc bán công nghệ sản xuất cồn khô. Điều này cho thấy, cồn khô là nhiên liệu sẽ được ưa chuộng trong tương lai.

Những sản phẩm đầu tiên đã bán hết cho bạn bè.

Trải qua rất nhiều vòng thi để cuối cùng lọt vào top 6 đề tài tham gia thuyết trình trong buổi chung kết, Nguyễn Thị Xuân Phương nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo và đông đảo người tham dự thông qua việc trình bày và trả lời phản biện một cách xuất sắc. Tuy dự án mới chỉ là ý tưởng thực hiện trên giấy, nhưng những gì mà cô đã nghiêm túc nghiên cứu được ghi nhận với sự nỗ lực của một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Sản phẩm ứng dụng từ cồn trang trí đã được Phương thực hiện và đưa ra thị trường là những mẫu ly đèn trang trí hình trái tim, chiếc ly... rất được các bạn tuổi mới lớn chọn mua để sử dụng.

Xuân Phương cho biết: “Em còn nghĩ tới việc nghiên cứu và ứng dụng cồn khô trong việc làm đuốc để sử dụng trong mùa lũ, thay thế đuốc làm từ vải rẻo tẩm dầu hỏa vì loại này không chịu được gió. Ngoài ra, nó có thể thay thế củi đốt lửa trại hoặc cồn khô pha với parafin làm đèn hoa đăng...”.

Chúng tôi còn nhớ lời của đại diện một ngân hàng đóng trên địa bàn: “Sau này khi ra trường, nếu dự án khả thi, chúng tôi sẽ giúp em về vốn để thực hiện ý tưởng tâm huyết của mình”. Còn nói về dự định tương lai, cô sinh viên bé nhỏ chỉ cười: “Khi tốt nghiệp đại học, em sẽ học tiếp văn bằng 2 về quản trị kinh doanh. Lúc đó em mới có nhiều cơ hội để theo đuổi dự án mà em đang nghiên cứu”.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.