.

Công nhân bỏ phố về quê

.

Theo bà Trần Thị Bích Liên, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động (Sở Lao động – TB&XH thành phố Đà Nẵng), hiện có trên 1.200 lao động có hộ khẩu tại Đà Nẵng mất việc làm tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố. Trong đó, có không ít lao động nông thôn một thời hăm hở ly hương kiếm sống, nay phải “quy cố hương” tìm việc.

Có miếng ruộng cũng đỡ

Ruộng vườn đã trở thành “cứu tinh” đối với lao động mất việc làm.

3 tháng nay, từ khi mất việc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, vợ chồng anh Dương Văn Hồng quay về thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra việc làm mới. Hai người làm cùng chỗ, quen nhau rồi cưới nhau, niềm vui còn chưa dứt thì nỗi buồn mất việc đã ập tới. Hôm 28-4 vừa rồi, chị Trần Thị Duẫn, cán bộ chuyên trách Xóa đói giảm nghèo và Lao động việc làm xã Hòa Phong, đưa đoàn công tác của Phòng LĐ - TB&XH huyện Hòa Vang đi khảo sát thực tế, mọi người không khỏi ái ngại trước hoàn cảnh của vợ chồng anh Hồng. Anh mồ côi cả cha lẫn mẹ, làm một cái nhà tạm trong thôn, mất việc không biết làm gì, cùng vợ ngồi nhà ngó ra.

Mất chân công nhân mà còn được mấy sào ruộng như chị Trần Thị Huệ ở thôn Bồ Bản 1 thì cũng còn đỡ. Từ khi Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn - doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh hàng mộc xuất khẩu – gặp khó khăn, chị nghỉ việc về làm 3 sào ruộng. Chồng chị làm phụ hồ, gặp thời kinh tế suy thoái nên việc làm không còn ổn định như trước. Nuôi 3 đứa con ăn học đối với vợ chồng chị giữa lúc này thật khó khăn lắm nỗi.

Lướt qua danh sách 36 hộ có lao động chính bị mất việc làm ở Hòa Phong, chị Duẫn lo lắng: “Mất việc, có miếng ruộng, lớn nhỏ không biết, nhưng cũng còn cái để xoay xở. Chứ như chị Nguyễn Thị Hiền làm công nhân cùng chỗ với chị Huệ, mất việc, không ruộng, không vườn, ngồi giữ hai đứa con. Anh chồng chạy đôn chạy đáo lo cái ăn cho cả nhà cũng đuối”.

Thực ra, việc làm cho lao động mất việc ở nông thôn hiện không gay gắt như ở thành phố - ông Đặng Thập, Phó Trưởng phòng LĐ – TB&XH huyện Hòa Vang nhận xét. Vì sao? Vừa qua, lao động nông thôn mất việc quay về nhà đúng lúc thu hoạch vụ đông xuân nên trước mắt lao vào giúp việc gia đình, chưa nghĩ đến chuyện đi tìm việc mới.

Con số làm “khó” cơ quan chức năng

Triển khai thực hiện Quyết định 30/2009/QĐ-TTg ngày 23-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế”, Sở LĐ – TB&XH thành phố Đà Nẵng đã lập “Danh sách người lao động có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng mất việc làm tại các doanh nghiệp” gửi về các địa phương. Bà Trần Thị Bích Liên cho biết, các địa phương dựa vào danh sách này rà soát lại xem ai đã tìm được việc làm mới, ai có nguyện vọng xin việc làm, ai muốn vay vốn tự tạo việc làm hay học nghề...

Trong thực tế, số lao động mất việc ở nông thôn còn nhiều hơn!

Thực hiện theo Thông báo số 59/TB-VP ngày 3-3-2009 của Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, chị Duẫn tổng hợp số liệu báo cáo từ các thôn và đưa vào “Danh sách hộ có lao động chính mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, có hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn” để báo lên cấp trên. Theo chị Duẫn, tuy còn một số trường hợp thôn không báo lên, nhưng cả xã Hòa Phong đã có đến 36 lao động mất việc làm, con số này vượt xa so với 14 lao động (là người Hòa Phong) trong danh sách do Sở đưa về.

Ở xã Hòa Nhơn, sự chênh lệch càng lớn hơn. Danh sách của Sở chỉ có 10 trường hợp, nhưng chỉ mới 8/15 thôn trong cả xã báo lên mà con số người mất việc làm đã là 71! Ông Bùi Tấn Sĩ, cán bộ chuyên trách Xóa đói giảm nghèo và Lao động việc làm xã Hòa Nhơn phân trần: “Số liệu thôn đưa lên không chính xác vì hai lẽ. Thứ nhất, một số thôn chỉ nhắm nhắm ghi vào, chứ thực sự trong danh sách có một số người chưa mất việc làm. Thứ hai, một số công ty, xí nghiệp chỉ tạm thời ngưng sản xuất một thời gian rồi khôi phục lại; những trường hợp này không thể gọi là mất việc hẳn như đối với lao động làm ở các doanh nghiệp đã bị giải thể, phá sản”.

Ông Đặng Thập lý giải: “Theo danh sách Sở, thì huyện Hòa Vang chỉ có 153 trường hợp mất việc, chủ yếu tại 4 doanh nghiệp lớn. Trong thực tế, con số này lớn hơn nhiều, vì các xã thống kê cả những người lao động mất việc tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương”.

Với con số không chính xác như thế, thật khó khăn cho cơ quan chức năng khi lấy đó làm cơ sở để lập đề án nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhất nông nhì thợ

Trung tâm đào tạo nghề Hòa Vang mở nhiều lớp trồng hoa, trồng nấm ăn trong quý 1-2009.

Phần lớn người lao động mất việc làm ở Hòa Vang là nữ. Trong đó, đáng kể có 36 lao động nữ làm bánh khô mè ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu - theo ông Lê Duy Cửu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) Hòa Vang. Việc đào tạo nghề mới, giới thiệu việc làm cho các trường hợp này đòi hỏi có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, cái khó đối với lao động nông thôn mất việc hiện nay, theo nhận xét của ông Ông Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề Hòa Vang, là “tìm nghề chi thích nghi cho họ cũng khó, họ vừa học, vừa lao động nuôi sống gia đình, không thể nghỉ 3-5 tháng để học nghề”.

Công nhân bỏ phố về quê, nghề trước mắt là… làm ruộng. Đó là lý do để Hội ND Hòa Vang mạnh dạn mở 26 lớp chuyên đề về cây lúa trong số 42 lớp tập huấn chuyển đổi ngành nghề trong quý 1-2009. Các học viên được tập huấn theo chu trình phát triển cây lúa, từ lúc làm đất, gieo sạ, đến khi đứng cái làm đòng, phòng trừ sâu bệnh và cuối cùng là thu hoạch. Ngoài ra, lao động mất việc còn được hỗ trợ hướng dẫn vay vốn qua các kênh chính sách, Quỹ hỗ trợ ND Trung ương và thành phố. Hội ND huyện vận động Hội ND các xã lập Quỹ hỗ trợ ND từ xã xuống chi hội với các chỉ tiêu đều vượt.

Làm công nhân, hầu hết phụ nữ sinh hoạt với Hội LHPN hay Đoàn Thanh niên; mất việc về làm ruộng, thoắt cái trở thành nông dân. Có người nói đùa phỏng theo câu nói ngày xưa là: Nhất thợ nhì nông, mất việc chạy rông, nhất nông nhì thợ.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.