.

Điểm tựa cho người tàn tật

.

Cho đến nay, anh Nguyễn Tấn Bích, chủ cơ sở sản xuất bếp năng lượng mặt trời ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn vẫn chưa quên cuộc gặp gỡ tình cờ với người thanh niên bị câm điếc ấy hơn 2 năm trước. Hôm đó, tại quán nhỏ bên đường, qua chuyện trò, anh biết Lưu Văn Trung, 24 tuổi, trú cùng phường không chỉ bị tàn tật mà còn mồ côi bố từ sớm, chưa có việc làm.

Anh Bích (người ngoài cùng bên trái) đang hướng dẫn công nhân làm bếp.

Chẳng cần đắn đo, anh chở người thanh niên ấy về cơ sở của mình. Ít hôm sau, anh hướng dẫn cách thức uốn, hàn các thanh sắt làm giá bếp. Chẳng bao lâu, Lưu Văn Trung là thợ hàn giỏi của cơ sở có mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, ngoài bảo đảm cuộc sống bản thân, Trung còn giúp đỡ gia đình.

Tiếng lành đồn xa, một số người cùng cảnh ngộ như Lưu Văn Trung tìm đến cơ sở và được ông chủ tốt bụng thu nhận, đào tạo nghề. Trong số đó có Nguyễn Quang Vũ, cũng bị câm điếc, ở quận Cẩm Lệ. Được anh Bích tận tình hướng dẫn gia công các tấm kim loại làm bếp, Vũ nhanh chóng hòa nhập với các thanh niên cùng cảnh ngộ và trở thành thợ cơ khí có tay nghề cao.

Còn trường hợp Lê Mạnh Cường, quê Nghệ An, vào làm ở cơ sở này là sự tình cờ hy hữu. Một ngày trung tuần tháng 5-2008, anh Bích có việc ghé  Bến xe Trung tâm và gặp người thanh niên bị xe khách từ chối cho đi chỉ vì anh vừa không có tiền, vừa ú ớ không nói được. Cảm thông trước hoàn cảnh đó, anh Bích làm quen tìm hiểu, mới hay người thanh niên ấy bị câm điếc, từ xứ Nghệ đang trên đường tìm kế mưu sinh. Thế là Cường trở thành thợ của anh Bích, cùng gắn bó với 7 thanh niên tàn tật đang làm việc.      

Vào thăm cơ sở sản xuất bếp năng lượng mặt trời của anh Bích, điều chúng tôi ghi nhận là ai nấy đều miệt mài với công việc. Được anh Bích “phiên dịch”, chúng tôi mới chuyện trò được với Trần Vĩnh Trung, bị câm điếc, vào làm tại cơ sở hơn 1 năm nay. Anh Trung cho biết, việc làm tại cơ sở khá ổn định. Anh biết ơn anh Bích rất nhiều.

Cơ sở sản xuất bếp năng lượng mặt trời của anh Bích ra đời từ năm 2001. Từ sáng kiến dùng năng lượng mặt trời để đun nấu, anh dùng chậu nhôm đặt trong rổ tre, phía trên gắn mâm nhôm thu ánh nắng mặt trời cho phản chiếu vào vị trí đặt nồi. Kiểu bếp này hiệu quả thấp, 4-5 tiếng đồng hồ mới đun sôi nồi nước 2 lít. Tiếp theo đó, anh cải tiến bằng việc đựng chậu nhôm trong hộp gỗ, tấm phản chiếu bằng i-nox mỏng, hiệu quả tăng lên rõ rệt.

Nói là cơ sở nhưng những ngày đầu chỉ có vài ba người, sản phẩm ít. Còn nay, cơ sở đã mở rộng, trang bị nhiều máy móc chuyên dụng, sản phẩm từ công trình khoa học do PGS-TS Hoàng Dương Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chủ đề tài. Anh Bích là cộng sự đắc lực. Công trình khoa học này vừa nhận giải nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2008.

Hiện cơ sở của anh Bích mang tên Trung tâm phục vụ năng lượng mặt trời SOLARSERVE, thu hút 12 lao động, trong đó 8 người tàn tật, đa số bị câm điếc. Anh Bích cho hay: “Người tàn tật chịu nỗi bất hạnh đeo đẳng suốt đời. Cần phải giúp họ vượt qua mặc cảm của số phận, ai có nhu cầu về việc làm, cơ sở sẵn sàng thu nhận.

Điều phấn khởi là người nào vào đây đều gắn bó với công việc và tay nghề nâng lên rất nhanh. Có người đã xây dựng gia đình, chính cơ sở đứng ra tổ chức đám cưới. Hiện nay, nhu cầu về bếp năng lượng mặt trời khá lớn, cơ sở đang sản xuất đại trà, công việc nhiều. Mục tiêu của cơ sở là thu nhận nhiều người khuyết tật vào làm việc”.

Tấm lòng của anh Bích thật đáng trân trọng. Ai cần công việc phù hợp với hoàn cảnh tàn tật của mình, liên hệ với anh Nguyễn Tấn Bích theo số điện thoại 0919511552.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

 

;
.
.
.
.
.