.

Doanh nghiệp: Sốt vó lo cúp điện!

.

Tuy chưa đến tháng cao điểm tiêu thụ điện, nhưng trời càng nắng nóng, doanh nghiệp càng lo vì sợ cắt, cúp điện gây ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều nơi đã sẵn sàng ứng phó bằng cách mua máy phát điện với công suất cực lớn. 

Mỗi lần cúp điện, có thể thiệt hại vài ngàn USD

Chế biến thủy sản là một trong những ngành “sống chết” vì điện.

Với sản lượng 400 nghìn chiếc áo-quần mỗi tháng, Công ty CP Dệt may Vinatex tính toán, cứ một lần cúp điện, đơn vị lại thiệt hại tới 4 nghìn USD. Tuy ông Hoàng Đăng Nam, Trưởng Phòng Điều độ Công ty Điện lực Đà Nẵng khẳng định: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch và thông báo lịch cắt, cúp điện theo từng tuần”, nhưng ông Hồ Hai, Giám đốc (GĐ) điều hành Vinatex vẫn than phiền: “Đơn đặt hàng nhận trước tới 2-3 tháng, thành ra khi điện cúp, chúng tôi trở tay không kịp, không thể tính toán được kế hoạch và phải giao hàng chậm”.

Ngành được xem là “sống chết” vì điện như chế biến thủy sản lại càng lo, bởi cá, tôm phải được giữ đông để giữ độ tươi và không hôi thối. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết: “Giá trị tồn kho của chúng tôi gần cả 100 tỷ đồng, sản phẩm sẽ rớt phẩm chất gây thiệt hại rất lớn nếu cúp điện”. Theo bà Võ Thị Ngọc, GĐ Công ty TNHH SX&TM Thanh Toàn (chuyên sản xuất thức ăn cho tôm, bột sắn xuất khẩu...), do không để ý thông báo cắt điện trên tivi, báo chí, công ty khá bị động trong điều hành, sản xuất.
 
“Nhiều bữa công nhân tới nhưng cúp điện phải cho nghỉ, vừa mất ngày công, vừa mất thời gian”, bà Ngọc nói. Phục vụ trực tiếp khách hàng, nhiều khách sạn kêu ca vì khách du lịch lên xuống phàn nàn, bực tức mỗi khi cúp điện. “Có khi khách đòi bỏ đi, hoặc phải ra ngoài vì trong khách sạn không có điều hòa, không có nước tắm. Đó là điều vô cùng tối kị đối với ngành dịch vụ, làm ảnh hưởng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp”, trưởng bộ phận giải trí một khách sạn lớn phản ánh. 
 
Mua máy phát điện hoặc làm bù ngày

Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, khách sạn trên chủ động mua 2 máy phát điện với tổng công suất trên 700kW. Song, theo nơi này, việc chạy máy gây hao phí nhiên liệu rất lớn và chiếm diện tích rộng. Cũng vì lẽ tốn kém nhiên liệu và không có mặt bằng đặt máy phát, bà Ngọc cho hay “đành tùy tình hình mà điều độ sản xuất, chứ không thể mua máy”. Nhiều doanh nghiệp khác ứng phó bằng cách sản xuất cả vào ngày nghỉ để bù cho ngày cúp điện nếu số ngày cúp trong tuần ít; hoặc cho công nhân thay thế công việc bằng những việc khác không liên quan đến điện.

Ông Hồ Hai đề nghị việc cắt, cúp điện phải được điều tiết ngoài giờ sản xuất và rơi vào các ngày nghỉ, chủ nhật. Theo bà Ngọc, trong thời buổi khó khăn, điện lực phải ưu tiên cho sản xuất để phát triển kinh tế, khuyến khích nhân dân giảm thiểu, tiết kiệm điện sinh hoạt. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác mong muốn điện lực thông báo cúp điện bằng văn bản hoặc điện thoại để doanh nghiệp chủ động hơn.
  
 

Ông Hoàng Đăng Nam, Trưởng Phòng Điều độ Công ty Điện lực Đà Nẵng: “Việc cấp điện cho sản xuất là ưu tiên số 1”

Nếu khách hàng có nhu cầu cần ưu tiên sử dụng điện cho sản xuất để kịp xuất hàng, giao hàng, chỉ cần báo cho điện lực trước 10 ngày, chúng tôi sẽ sẵn sàng cung ứng, ngay cả trong những ngày cao điểm.

Do suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp dừng hoặc giãn hoạt động nên công suất sản xuất công nghiệp giảm xuống, khiến tốc độ phát triển của phụ tải thấp, chỉ tăng khoảng 3% từ đầu năm đến cuối tháng 4, trong khi mọi năm tỷ lệ này dao động ở mức 12,5-15%.
 
Như vậy trong thời gian qua, nguồn điện cung ứng đủ. Từ tháng 5 trở đi, việc cung ứng điện sẽ phụ thuộc vào phụ tải và các nguồn điện trên cả nước. Để phục vụ cho công tác vệ sinh, bảo dưỡng, đấu nối... theo định kỳ, chúng tôi vẫn phải xây dựng kế hoạch cắt, cúp điện theo từng tuần và đều có thông báo trước 5 ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.