Nhờ sự vượt trội về phương thức bán hàng và cung cách phục vụ mà gần đây, các siêu thị lớn nhỏ mới ra đời đã thu hút đông đảo khách hàng. Bị chia thị trường, những mặt hàng vốn là thế mạnh ở chợ trước đây không còn chiếm ưu thế về lượng khách. Chợ ế thì than, nhưng hễ có ai đó bước vào mấy hàng áo quần, dép, guốc mà ngó nghiêng không mua là y như rằng bị người bán buông ngay những lời rất khó nghe...
Ngán ngẩm thái độ bán hàng
Phương châm “khách hàng là thượng đế” đã bị nhiều người kinh doanh bỏ qua. (Ảnh minh họa) |
Trị giá một cái áo khoảng 50 ngàn đồng thì nói tới 200 ngàn, trả tới đâu thì trả, miễn phải trả ba tiếng mới được (3 giá từ thấp đến cao); nhãn mác in rành rành chữ Trung Quốc thì bảo là của Hàn Quốc. Cái cách định đoạt sản phẩm như vậy rất khó để xác định giá trị thực của một chiếc áo. Đó là chưa kể đến cách chào mời đon đả, giới thiệu quá mức đến độ khó lẳng lặng bỏ đi vì sợ bị... chửi. Đã có nhiều trường hợp xảy ra khi khách hàng lỡ cầm mà không mua, bỏ đi là bị túm áo, nhiếc mắng.
Một lần dạo chợ Hàn, chị Phương Khánh, ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Liên Chiểu, hết sức bức xúc trước thái độ của một người bán giày, dép. “Đi mô rứa em?”. “Thì đi chợ chứ còn đi đâu”. Khách trả lời nhưng không dừng lại mà đi thẳng. Chị này liền nói với theo một câu: “Đi ỉ... hả…?” rồi cười hơ hớ cùng mấy người bán hàng.
Cũng chợ Hàn, lúc 5 giờ chiều, có hai khách hàng ghé vào sạp áo quần. Một người không vừa ý với cái áo đã xem và có ý định đi quầy khác thì liền bị bà chủ túm lại bắt phải trả giá cho bằng được mới thôi. Chưa thỏa mãn, bà lôi xấp giấy ra đốt rồi huơ huơ trước mặt vì cho là mới “mơi xưa” đã bị ám (mơi xưa - mở hàng lúc chợ sắp đóng cửa?).
Có lẽ, trước khi bước ra chợ, không ai muốn mình bị người ta nhìn bằng “nửa con mắt”, hoặc bị chê bai là “nhà quê”, và nhất là khi người bán buông một câu thách thức: “Không đủ tiền thì đừng có rờ vô”. Vậy mà ở nhiều chợ, vẫn tồn tại kiểu bán hàng không văn minh như thế.
Bỏ chợ mà đi
Sinh viên là đối tượng đi chợ hay chịu cảnh trớ trêu nhất. Phan Na, học lớp 06 ngành Môi trường, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, tâm sự: “Tụi em là sinh viên nên rất hay đi chợ, nhưng mỗi lần mua đồ là bị nói thách, mấy bả nhìn mặt đứa nào hiền hiền một chút là bắt nạt. Không mua thì bị mắng xối xả. Cuộc sống ngày càng văn minh mà thái độ của người bán hàng chẳng văn minh chút nào. Hồi trước, mấy đứa bạn em còn thích đi chợ, chứ bây giờ đứa nào cũng ngại vì mấy bà bán hàng ghê lắm”.
Ngoài những người ở xa đến, hoặc là khách quen mới đi chợ, còn những người đã từng chịu cảnh cư xử của số người bán hàng quá quắt, thiếu văn minh thì mất dần thói quen đi chợ. Chị Phương Khánh cam đoan: “Nếu có lần sau thì bất đắc dĩ lắm, tôi mới vô mua trong chợ, còn không thì cứ siêu thị mà chọn. Không ai quấy rầy, chửi mắng, cũng không phải lo trả giá”.
Cũng là số tiền phải bỏ ra, cũng là cách đem lại lợi nhuận cho người kinh doanh, nhưng rõ ràng giữa người mua và người bán thiếu sự công bằng. Vì lý do gì mà các “thượng đế” phải chịu những lời lẽ xúc phạm? Không ít người bán hàng trông rất lịch sự, trẻ trung nhưng khả năng ứng xử thì quá kém. Văn minh thương mại là những tiêu chí hàng đầu của người kinh doanh, chưa nói đến vấn đề giá cả, chất lượng. Đổi mới phương châm bán hàng và thái độ phục vụ, chính là cách để tiểu thương lôi kéo khách hàng trở lại chợ.
|
Bài và ảnh: Duyên Anh