.

Hàng hóa đua nhau đẩy giá

.

Từ đầu tháng 5 đến nay, ở các siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ đã đồng loạt tăng giá nhiều mặt hàng. Một trong những lý do mà nhà cung cấp đưa ra giải thích cho việc tăng giá này đó là yếu tố đầu vào tăng. Giá cả trong nước bắt đầu “lên cơn” trong thời điểm Việt Nam chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới, khi chính sách kích thích sản xuất và kích cầu tiêu dùng của Chính phủ tăng hiệu lực.

Nhiều lý do để tăng giá

Lượng hàng về các chợ tăng cho thấy, không có dấu hiệu thiếu hụt nguồn hàng.

Tại Siêu thị Intimex Đà Nẵng, những mặt hàng dán mác ngoại đã được các nhà cung cấp thông báo tăng giá với lý do tỷ giá ngoại tệ tăng. Tiếp đến, một số nhà sản xuất trong nước cũng đồng loạt điều chỉnh giá bán sản phẩm vì giá nguyên, vật liệu, xăng dầu tăng 3 lần trong tháng 4, giá điện tăng khoảng 8% kể từ ngày 1-3. Hiện Siêu thị Intimex có hàng chục mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, nước xả, chất tẩy rửa... tăng giá từ 3 - 15%.

Siêu thị BigC vốn là nhà bán lẻ trung thành với mục tiêu “giá rẻ cho mọi nhà” song vẫn không đứng ngoài đà tăng giá chung. Các loại dầu ăn đã tăng nhẹ từ 2 - 5%, đường tăng từ 5 - 12%, thực phẩm tươi sống như hải sản, thịt gà ta, cánh gà công nghiệp tăng 5%, rau xanh tăng 3%-10%. Riêng mặt hàng nhựa và dây điện tăng trên 18%. Đợt tăng giá này chưa phải đã dừng, thông tin còn cho biết trong tháng 6 tới sẽ có đợt tăng giá tiếp theo khi cam kết giữa nhà bán lẻ và nhà cung cấp có hiệu lực.
Ở thị trường tự do như chợ, giá cả có sự chênh lệch tương đối lớn.

Hầu hết các loại rau, củ cũng tăng đáng kể. Những người chuyên lấy hàng tại chợ bán sỉ đầu mối Hòa Cường ví dụ: Trước đây, như năm 2008, 1kg dưa leo chỉ có giá 2 ngàn đồng thì nay tăng lên 5-6 ngàn đồng, nếu bán lẻ tại các chợ sẽ tăng lên 7-8 ngàn đồng.

Tương tự, với các loại nông sản khác phụ thuộc vào biến động của thời tiết, chắc chắn giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng sẽ rất cao mà lý do chủ yếu là chi phí qua các khâu trung gian. Tuy nhiên, với giá bán các sản phẩm tiêu dùng như hiện nay, người bán lấy lý do giá xăng dầu tăng là không thỏa đáng. Với mức tăng 500 đồng/lít xăng dầu thì chi phí chưa đến 5%, trong khi giá bán lẻ tăng tới 15% là vô lý.

Với mặt hàng gạo, trong khi giá tại Siêu thị BigC giảm khoảng 3% thì gạo các cửa hàng, đại lý bên ngoài tăng 3% với lý do chưa vào vụ thu hoạch lúa, gạo xuất khẩu đang được giá. Riêng giá đường trên thị trường từ đầu năm 2009 đến nay tăng liên tục.
 
Trong tháng 3, giá đường trắng loại 1 tăng từ 8.200 đồng/kg lên 8.600 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg so với hồi đầu năm). Qua tháng 5, giá đường lại tiếp tục tăng lên 12 nghìn đồng/kg. Thông tin từ Hiệp hội Mía đường cho biết, hiện có một số nhà máy đường đóng cửa do thiếu nguyên liệu hoặc do thua lỗ. Trong tháng 8 và 9 tới, nhiều khả năng lượng cung về đường thiếu. Có thể giá đường tăng trong thời gian này là do tích trữ trong khâu lưu thông.

Nhiều nhận định cho thấy, thị trường hàng hóa hiện nay đang có chiều hướng ngày một tăng thêm, không chỉ do tác động bởi tình hình giá thế giới mà còn ăn theo yếu tố tăng lương trong nước.

Thị trường có sự điều tiết?

Mặc dù có sự tăng giá nhưng sẽ không có chuyện khan hiếm hàng hóa, nếu có chỉ là do tư thương tự bịa ra để găm hàng, chờ thời cơ mà thôi. 

 “Là nhà kinh doanh, chúng tôi phải ra sức giữ chân khách hàng, chứ đâu muốn họ chắt bóp túi tiền để siêu thị giảm doanh thu. Nhưng với vai trò là nhà bán lẻ, mua đi bán lại, mua rẻ bán rẻ, mua đắt phải bán đắt, chứ không còn cách nào để bù lỗ.

Vì thế mong khách hàng cùng chia sẻ với chúng tôi”, đại diện của một siêu thị giải thích khi khách hàng thắc mắc về tình hình giá cả bắt đầu tăng. Còn bà Dương Thị Quỳnh Trang, phụ trách thông tin đối ngoại của hệ thống Siêu thị BigC cho rằng: “Nhà cung cấp buộc chúng tôi phải tăng giá, nhưng trong lúc này BigC sẽ cố gắng giữ giá ở mức thấp nhất có thể để bảo vệ sức mua của người tiêu dùng. Bảo đảm 10 sản phẩm thiết yếu giá luôn thấp nhất trên thị trường như: gạo, thịt gà, mỳ chính, bánh mỳ, nước mắm, sữa, trứng…”.

Cùng với các chương trình thực hiện hiệu quả trong tháng 3, 4 vừa qua, trong tháng 5 này, BigC triển khai một số chương trình quy mô lớn, thiết thực như “Giá rẻ hơn, tiết kiệm nhiều hơn” (từ 13-5 đến 31-5), “Thực phẩm tươi sống chất lượng” (từ 20-5 đến 31-5), “Niềm vui của bé, hạnh phúc cả nhà” (từ 20-5 đến 7-6) với trên 1.000 sản phẩm khuyến mãi hấp dẫn và các hoạt động bổ ích khác…

Giá cả tăng, ngay cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều gặp khó, bởi hàng sản xuất bán ra không được và người mua thì thắt chặt chi tiêu. Chính phủ cũng đã cố gắng tìm mọi cách để giảm giá sản phẩm, kích cầu nhằm kéo nền kinh tế tăng trở lại, kể cả việc thực hiện giảm lãi suất vay ngân hàng... Như vậy, dù thị trường có sự điều chỉnh về giá bán hàng hóa thì người dân vẫn có thể chọn các giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang tích cực đốc thúc các địa phương tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý giá và chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường triển khai nhiều biện pháp quản lý, giám sát giá cả thị trường như kiểm soát giá.
 
Đối với các mặt hàng Nhà nước còn chi phối giá, cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng biện pháp định giá trực tiếp bằng nhiều hình thức thích hợp là đưa ra mức giá tối thiểu, tối đa, theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ nhằm thực hiện lộ trình giá thị trường đối với nhiều mặt hàng.


Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.