.

Khan hiếm thợ xây dựng­

.

Đang vào mùa cao điểm xây dựng, nên hiện nay nguồn lao động phổ thông  như thợ xây, thợ phụ hồ rất khan hiếm. Không chỉ ở các công trình lớn mà cả những công trình xây dựng tư nhân nhỏ lẻ, tình trạng thiếu lao động đang phổ biến.

Công nhân đang xây dựng một công trình trên đường Sơn Trà - Điện Ngọc.

Ông Đỗ Lựu, một nhà thầu tư nhân ở phường Khuê Mỹ cho hay: Do thiếu thợ, nên ông chỉ dám nhận những công trình cấp 4 trở xuống. Mọi năm vào thời điểm này, mặc dù là mùa cao điểm nhưng vẫn có thể tìm ra thợ để làm, nay có tăng giá công thợ lên 110 nghìn đồng/ngày cho một thợ chính và 75 nghìn đồng/ngày cho thợ phụ, nhưng không thể có đủ người. Cũng trong hoàn cảnh đó, ông Nguyễn Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Phong Phú Thịnh cho biết: Do cần gấp một số lượng lớn thợ xây dựng để triển khai một số dự án trên khu vực Tây Nguyên, công ty đã thông báo tuyển dụng lao động hơn 1 tháng qua nhưng số lượng tuyển được không đủ yêu cầu.

Cũng theo ông Diệp, nguyên nhân khan hiếm thợ xây dựng là do từ đầu năm đến nay, nhiều công trình trọng điểm của thành phố đã khởi công xây dựng như: Trung tâm Hành chính thành phố, Bệnh viện Ung thư, Làng Đại học Đà Nẵng, khu chung cư Quang Thành 3B… Bên cạnh đó, một số công trình hiện vẫn đang thi công như: Bệnh viện 600 giường, khu phức hợp Golden Square, khu phức hợp Danang Center, cụm chung cư cao cấp Han Riverside.

Ngoài ra, còn có nhiều dự án tầm cỡ khác như Tổ hợp Foodinco Plaza, các khu resort trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, các trường học, khách sạn… đang rất cần thợ. Song song đó, nhu cầu thợ xây dựng trong các công trình dân dụng cũng tăng cao tại các khu dân cư mới, khu tái định cư như: Hòa Cường, Khuê Trung, Hòa Minh, Xuân Hà, Xuân Thiều, Thanh Lộc Đán, Tam Thuận, An Khê, Phước Mỹ, Mân Thái, Hòa Hải, Hòa Quý… đều đang trong tình trạng cần thợ xây dựng. 

Anh Nguyễn Ngọc Thọ, một người chuẩn bị xây nhà than vãn: “Đã vài tháng nay, tôi liên hệ cả chục chủ thầu để xây dựng một căn nhà trên khu Hòa Minh 3, nhưng ai cũng hẹn lên hẹn xuống, nay chưa thể khởi công được. Sợ để sau vài tháng nữa trời mưa khó làm. Thú thật, bây giờ tìm thợ khó ghê”.

Hiện nay, việc tuyển lao động cho các công trình dân sinh đã khó, nhưng vẫn chưa khó bằng việc tuyển lao động làm theo các công trình của các công ty. Bởi ngoài yếu tố chuyên môn, người lao động còn phải tuân thủ các nguyên tắc bảo hộ lao động của đơn vị (điều này rất hiếm thấy ở lao động dân sinh). Ngoài ra, việc di chuyển liên tục theo công trình, xa gia đình, nên không ít lao động ngại đầu quân cho các công ty. Chính vì vậy, để có được lao động, các ông chủ không ngại chi lương cùng với nhiều khoản đãi ngộ khác như nâng mức thu nhập, thưởng sau khi hoàn thành công trình, được tặng tiền các ngày lễ... Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà thầu cũng có thể tuyển được đầy đủ thợ theo yêu cầu.

Một đặc thù của thợ xây dựng là chỉ làm việc được trong khoảng hơn 2/3 thời gian của một năm, mùa mưa phải nằm nhà, công việc lại khá vất vả, nặng nhọc. Thợ xây dựng phải dãi nắng dầm mưa, hằng ngày phải tiếp xúc với cát đá, xi-măng, vôi vữa. Làm ở những công trình cao tầng thì chóng mặt hoa mắt, làm những công trình dưới đất thì tức ngực, khó thở… nhưng thu nhập cũng chỉ ở mức bình thường.

Chị Oanh, một thợ phụ hồ cho biết: Do không có nghề nghiệp ổn định, chị phải đi làm phụ hồ, công việc vất vả lắm, mỗi ngày phải đến 8-9 tiếng đồng hồ lăn lộn trên công trường, nhưng không có hợp đồng gì cả, làm ngày nào nhận tiền ngày đó. Bị bệnh nghỉ cũng không có tiền, không chế độ gì. Nghề thợ hồ chỉ hợp với đàn ông, song vì miếng cơm manh áo hằng ngày, nhiều chị em cũng làm nghề này.

Song, việc đáng quan tâm nhất hiện nay đối với thợ xây dựng là dù công việc nhọc nhằn như thế nhưng ngoài việc tự bỏ tiền túi ra để bồi dưỡng, lo thuốc men khi ốm đau, rất hiếm khi họ được hưởng hỗ trợ từ phía người sử dụng lao động (trừ những kỹ sư, công nhân có tay nghề cao), thậm chí ngay cả những dụng cụ bảo hiểm thô sơ: mũ, giày hay áo bảo hộ cũng phải tự trang bị…

Bài và ảnh: Thành Lân

 

;
.
.
.
.
.