.

Khởi nghiệp từ chiếc xe đạp “cà tàng”

.

Sinh 1970, dáng người mảnh khảnh, là kỹ sư cơ khí, trước đây khi chưa trở thành ông Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chuyển giao công nghệ K&H, Nguyễn Trọng Khải từng xuôi ngược làm thuê cho các ông chủ ở khắp mọi miền đất nước. Năm 2004, không một đồng xu dính túi với tài sản lận lưng chỉ là chiếc xe đạp cà tàng đáng giá 100 ngàn đồng. Đến nay, anh đã tạo dựng được cơ ngơi cho mình là vị trí của một ông chủ với tổng tài sản lên đến trên 5 tỷ đồng.

Đi buôn không vốn

Anh Khải đang sửa chữa máy móc.

Tốt nghiệp ngành cơ khí năm 1994, Nguyễn Trọng Khải đã trải qua một thời gian dài làm thuê cho nhiều DN. Thế nhưng hơn 10 năm làm công ăn lương, anh chỉ mới tích góp được một chiếc xe đạp cũ. Nhớ lại cái thuở lóc cóc trên “con ngựa sắt” suốt ngày rong ruổi trên đường, anh cười giải thích: “Với tôi, điều đó không quan trọng, bởi lẽ hơn 10 năm lăn lộn, cái mà tôi được nhiều nhất chính là kinh nghiệm trong nghề cơ khí”.

Đầu năm 2004, Khải quyết định “dứt áo” khỏi cảnh làm công ăn lương và chuyển hướng đi… buôn. “Nói là đi buôn cho oai, chứ lúc đó trong túi không có lấy một đồng xu, tài sản duy nhất tôi có là chiếc xe đạp cà tàng, đem cầm đồ được 50 ngàn đồng. Sau khi cầm số tiền đó đón xe đò ra Huế với hy vọng mua được món hàng mà Trường Đại học Nông- lâm Huế thanh lý. Nhưng mua là mua nợ thôi. Tôi nghĩ, nếu mua được lô hàng này sẽ kiếm được một khoản tiền không nhỏ, nhưng nỗi lo cũng canh cánh trong lòng, bởi không biết sẽ xoay xở đâu ra tiền để hốt lô hàng về” - anh Khải tâm sự.

Được lãnh đạo nhà trường “ưu tiên” bán lô hàng trên với giá 5 triệu đồng, sau khi sàng lọc những thiết bị máy móc còn sử dụng được, số hàng còn lại, Khải mang ra bán phế liệu được 15 triệu đồng, chỉ tính sơ đã lời 10 triệu đồng. Số tiền không quá lớn nhưng điều quan trọng là những phụ kiện khác của lô hàng qua bàn tay của chàng kỹ sư trẻ đã biến thành máy móc có giá trị.

Có ít vốn trong tay, Khải tiếp tục đi mua nhiều máy móc, thiết bị do các DN thanh lý về đầu tư sửa chữa lại rồi tung ra thị trường bán kiếm lời. Và chưa đầy 1 năm làm nghề này, anh đã tích góp được hơn 400 triệu đồng.

Bước chuyển mình

Cuối năm 2004, tính đường phát triển sản xuất lâu dài, sau nhiều đêm suy nghĩ, Nguyễn Trọng Khải đã quyết định thành lập công ty. “Tôi mạo hiểm mua một dây chuyền sản xuất nước ngọt với giá 120 triệu đồng. Sau 2 tháng ròng rã sửa chữa, nó chạy ngon ơ nhưng đêm ngày lại lo ngay ngáy. Bán ở đâu và bán cho ai bây giờ? Đúng lúc đang ngồi trên đống lửa ấy thì một khách hàng ở Nha Trang trả giá 900 triệu đồng.

Sau đơn hàng đó, công ty có lãi hơn 400 triệu đồng, nhưng điều có ý nghĩa quan trọng hơn là thương hiệu mà bấy lâu nay mình tạo dựng bắt đầu có tiếng trên thị trường. Tuy nhiên, do ít vốn nên nhiều lúc DN cũng mất đi cơ hội làm ăn, chẳng hạn nhiều lúc có không ít công ty bán thanh lý nhiều máy móc cũ, nhưng do không có tiền nên chỉ mua được vài thứ để duy trì việc làm cho công nhân...” - anh Khải kể.

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo theo nhiều DN có nguy cơ phá sản hoặc buộc phải cắt giảm lao động, thế nhưng năm 2008, tổng doanh thu của Công ty K&H vẫn đạt mức khá cao (khoảng 4 tỷ đồng) và công ty tiếp tục thông báo tuyển thêm 15 lao động nữa. Một điều khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi trong thời kỳ khủng khoảng kinh tế, nhiều DN đang “bí” đầu ra cho sản phẩm, thế nhưng ở Công ty K&H, nỗi lo lớn nhất lại là đầu vào.
 
Theo giải thích của anh Khải, tất cả các máy móc, thiết bị cũ mà công ty mua về, sau khi sửa chữa và chuyển giao công nghệ xong đều có khách hàng đến đặt mua hết, bởi đơn giản là giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu.

Không dừng lại ở những gì đã đạt được, dự định trong thời gian tới, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích khoảng 3.000m2 để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, nhất là người tàn tật, trẻ em nghèo bất hạnh, bộ đội xuất ngũ và đặc biệt là những phạm nhân sau khi cải tạo trở về với cộng đồng.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.