.
KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU

Doanh nghiệp nên làm gì?

.

Mới đây, Đại học Đà Nẵng và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (Chi nhánh Đà Nẵng) đã tổ chức cuộc hội thảo dành cho đại diện các ban, ngành chính quyền thành phố và các tỉnh miền Trung, các DN, giảng viên đại học, tập trung phân tích tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ các nước và Việt Nam nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng. Trên cơ sở đó, giúp các DN nắm bắt cơ hội và tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ; đồng thời xây dựng chiến lược để duy trì và phát triển hoạt động DN trong giai đoạn khủng hoảng.

Những khó khăn

Các doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

GS Bùi Tùng (Trường đại học Hawaii - Hoa Kỳ) cho rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, không nước nào đứng ngoài cuộc. Nếu thế giới mất hẳn 50% tài sản, thì Hoa Kỳ mất một nửa, trong khi đó EU, Trung Quốc và Nhật Bản là ba nhà đầu tư chính tại Hoa Kỳ. Và như vậy, các nước có thu nhập thấp sẽ xuất hiện hiểm họa tăng mức độ đói nghèo do xuất khẩu thấp và lạm phát thấp.
 
Dự báo các nước có thu nhập thấp cần ít nhất 25 tỷ USD để bù vào thiếu hụt ngân sách. Do đó, Việt Nam không nằm ngoài cuộc khủng hoảng này. Theo một khảo sát do TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu - Trung tâm giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh đưa ra, tại 26 DN lớn ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, khó khăn nghiêm trọng nhất mà các DN này đang gặp phải là nhu cầu thị trường giảm mạnh (đến 73,1%), thiếu vốn (26,9%), rủi ro kinh doanh tăng (23,1%), chi phí tăng (15,4%), chính sách Nhà nước bất ổn định (15,4%)...

Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng đưa ra những con số cụ thể: Về giảm thuế, cả nước đã có 1.069 DN kê khai giảm thuế tiêu thụ trong nước với tổng số tiền 6,9 tỷ đồng, 74 DN kê khai giảm thuế nhập khẩu với số tiền hơn 30 tỷ đồng; về ưu đãi thuế thu nhập DN, đã có 1.750 DN kê khai giảm 30% thuế với tổng số tiền 15 tỷ đồng/quý… Về cơ chế hỗ trợ cho vay lãi suất 4%, dư nợ đến cuối tháng 3-2009 là hơn 4.000 tỷ đồng, và nhờ cơ chế này, qua khảo sát ngẫu nhiên với 38 DN, có 47% DN giảm giá thành sản phẩm, 11% giữ nguyên giá và 42% chưa giảm được giá.
 
Với chế độ bảo lãnh tín dụng theo Quyết định 14/2009/QĐ-TTg, đến 27-4, tại Hà Nội có 8/22 hồ sơ đăng ký được chấp nhận bảo lãnh, Đà Nẵng có 4/6 hồ sơ được chấp nhận (số vốn bảo lãnh hơn 6,5 tỷ đồng)… Song, từ góc độ thực tiễn, những chính sách này vẫn còn gặp nhiều bất cập. Theo TS Tự Anh, với chính sách kích thích tiêu dùng, quyết định giảm 50% thuế VAT với 19 mặt hàng và hoãn thu thuế cá nhân trong 5 tháng đầu năm 2009, với mục đích giảm giá bán, tăng cầu cho sản phẩm và tăng chi tiêu của người tiêu dùng, song thực tế giá bán vẫn tăng chứ không hề giảm, điển hình là việc tăng giá mới đây của điện và xăng.
 
Còn giãn thuế VAT vốn là trợ cấp cho những người có thu nhập tương đối cao trong xã hội, mà xu hướng tiêu dùng này chủ yếu là hàng nhập khẩu, không phải hàng sản xuất trong nước. Với chính sách bù 4% lãi suất vay ngân hàng ngắn hạn, nhưng với tình trạng mất cân xứng thông tin giữa các ngân hàng thương mại và khách hàng, khiến việc bảo đảm khách hàng sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích hết sức khó khăn, và gây nên hệ quả tất yếu là tình trạng “cho vay ảo”. 

Đề cập về chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm của Chính phủ trong Quyết định 30/2009/QĐ-TTg ngày 23-2-2009, với nội dung người lao động thất nghiệp do DN sa thải trong năm 2009 sẽ được vay vốn để tự tạo việc làm, DN nào phải giảm lao động từ 30% trở lên hoặc 100 lao động trở lên sẽ được vay với lãi suất 0% (thanh toán nợ tiền lương, BHXH…), ông Nguyễn Diễn cho hay, dù nhiều DN giải thể, phá sản, tạm ngưng hoạt động, nhưng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, số DN thực hiện vay vốn này là 0, bởi lý do duy nhất là thủ tục quá nhiêu khê, trong khi số tiền được vay quá ít…

Tìm giải pháp

Nhìn lại 6 tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng kinh tế, GS Bùi Tùng đưa ra một số giải pháp cho DN: Với tình hình gia tăng cạnh tranh toàn cầu, các nhà cung cấp cần tìm kiếm thị trường mới, chú trọng sản xuất sạch (giảm chất thải), giảm giá thành sản xuất, phát triển dựa vào thương hiệu. DN thiếu vốn nên tìm kiếm hỗ trợ từ những nguồn tài chính bảo đảm, hình thành dự trữ tiền mặt lớn hơn; với chủ nghĩa bảo hộ (chủ nghĩa dân tộc, tăng thuế nhập khẩu, hướng về sử dụng hàng nội địa) sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu, DN cần ký hợp đồng trước khi tình hình thay đổi theo chiều hướng không tốt, quan sát tình hình các nước, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, tìm kiếm liên minh và hợp tác xuyên biên giới, đồng thời mở rộng thị trường trong nước.
 
Đặc biệt về nhân lực, bằng mọi cách không cho người giỏi nhất phải rời công ty trong tình hình thu nhập suy giảm, không cho thôi việc người lao động mà giảm giờ làm và thay bằng việc huấn luyện nhân viên để đạt hiệu quả lao động tốt hơn… Riêng đối với các công ty, cần có những sách lược cụ thể, như thúc đẩy khách hàng mua sắm hàng hóa cao cấp hơn (thông qua việc giữ giá thấp để khách hàng có thể mua được nhưng chất lượng vẫn cao), gia tăng sự hiển thị các sản phẩm để sản phẩm thực sự đi vào công chúng, chú trọng những đánh giá của khách hàng, nghiên cứu phương thức định lượng mới...

Bài và ảnh: Duyên Anh

 

;
.
.
.
.
.