.
KÍCH CẦU TIÊU DÙNG NÔNG THÔN

Nhìn từ chợ

.

Giúp doanh nghiệp xây dựng mạng lưới bán hàng lưu động tại trung tâm huyện và phối hợp với hệ thống chợ nông thôn, nhằm tạo điều kiện cho nông dân được mua hàng với giá rẻ… Đây là một trong những chương trình của đề án kích cầu do Bộ Công thương đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, với mỗi địa phương, nhu cầu tiêu dùng cũng như thị hiếu và khả năng tài chính cũng sẽ khác. Vì thế, cần có những khảo sát cụ thể, đưa lại hiệu quả khi triển khai mạng lưới phân phối hàng hóa tại thị trường nông thôn.

Sản phẩm nhà nông làm ra đem bán, rồi mua lại những thứ hàng thiết yếu khác.

Chợ Túy Loan, chợ trung tâm của huyện Hòa Vang, với dáng vẻ bề thế bên ngoài, thoạt nhìn qua chưa thể đánh giá hết mức độ hoạt động thương mại nơi đây. Chúng tôi có dịp tìm hiểu thói quen mua bán của người dân và tốc độ tiêu dùng ở vùng trung tâm huyện này.

Theo Ban Quản lý chợ, mặc dù chợ không chỉ phục vụ cho nhân dân xã Hòa Phong, mà còn cho nhân dân các vùng lân cận, vậy nhưng biểu hiện rõ nhất là từ giữa năm 2008 đến nay, sức mua giảm 50% so với các năm 2006-2007. Lượng thực phẩm tiêu thụ mỗi ngày còn khá khiêm tốn (khoảng 2-3 tạ cá, 7-8 tạ thịt heo, bò và chừng 2-3 tạ rau, củ). Như vậy, mức tiêu thụ trên đầu người được đánh giá là không lớn và không thường xuyên. Có khi cả tháng người dân mới chạm tay đến những mặt hàng như xô, chậu nhựa, bột giặt, nước mắm, bột ngọt...

Thu nhập chủ yếu dựa vào ruộng đồng, để có tiền mua sắm, người dân chỉ trông chờ vào vụ thu hoạch lúa, rau màu và điều đó giải thích vì sao người dân quê không đi chợ thường xuyên. Để kích cầu tiêu dùng người dân vùng nông thôn hiện nay là rất khó, vì với thu nhập bình quân trên dưới 300 ngàn đồng/người/tháng, số tiền đó không thể mạnh tay mua sắm các vật dụng gia đình hay đồ ăn thức uống. Ngoài nhu cầu tối thiểu là gạo, mắm, muối, đường, dầu ăn, các gia đình chỉ mua thêm bột giặt, kem đánh răng, dầu gội… và dùng dè xẻn.

Bà Nguyễn Thị Đào, quầy nhôm nhựa chợ Túy Loan cho biết: Giá cả là lựa chọn hàng đầu của người dân ở đây. Soong, nồi của HappyCook, Siliver, Sunhouse ít có người mua vì đắt, trong khi hàng của các cơ sở sản xuất như Minh Long, Đức Mạnh, 999, Hiệp Lan, Đạt Thành… giá chỉ bằng 1/3-1/4 loại có tên tuổi. Tương tự với hàng nhựa, sức mua cũng kém vì nhu cầu tiêu dùng không nhiều. Thậm chí, theo bà Nguyễn Thị Bảy, trú tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong: “Nhà ít người, có chi dùng nớ, chứ không sắm sửa. Mà nói thực, làm không ra lấy chi mà mua”.

Đời sống khó khăn, người dân vùng nông thôn tiết kiệm chi tiêu đến mức tối đa. Được biết, cách đây hơn 2 năm, Comfort, Downy là những nhãn hàng nước xả vải quần áo quen thuộc được sử dụng trong nhiều gia đình ở vùng quê, nhưng thời gian gần đây, hầu như ít ai hỏi mua vì nhiều người cho là “hàng xa xỉ”. Trở lại với nhu cầu chi tiêu cho ăn uống hằng ngày, chị Trần Thị Xí, quầy thịt cho biết: “Người dân ở đây chỉ đi chợ sơ sơ thôi.
 
Bình thường, mỗi lần đi chợ không quá 20 ngàn (ăn vài ngày), chủ yếu mua 5 ngàn thịt về nấu canh rau, khổ qua hoặc xào nấu với mấy thứ có sẵn trong vườn. Ít có người mua nửa ký thịt một lần, trừ khi nhà có công việc. Bán ít đã đành, người ta cũng hay mua chịu, khi có tiền mới trả, nhưng cũng phải bán vì nông thôn là vậy”.

Nhìn vào các quầy sạp tại chợ Túy Loan, chúng tôi có thể thấy người dân các xã trong khu vực khá nhạy bén trong nắm bắt thông tin về các nhãn hàng. Ví dụ, nước mắm có nhiều loại đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường thành phố như Mười Thu, Bốn Phương, Thủy Tài (Bình Định) tới Y Hà, Nhi (Đà Nẵng) và cả Chin-su, Nam Ngư, Maggi có giá bán cao hơn nhiều. Những người đi chợ được hỏi cùng có câu trả lời là loại nào sử dụng quen thuộc hoặc được quảng cáo nhiều trên tivi là mua. Khi không có tiền thì thôi, chờ có tiền là mua loại chất lượng.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về thái độ lựa chọn hàng hóa phù hợp với túi tiền của mỗi người, nhưng nhìn chung, phần đông người dân thích chọn những mặt hàng giá vừa phải nhưng chất lượng. Bà Mạc Thị Tước ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú đề nghị: “Tụi tui ở xa chợ trung tâm, ít có cơ hội đi chợ. Nếu chúng tôi được hỗ trợ mua hàng với giá rẻ thì rất mừng, nhất là dịp đầu năm học, nhà nào có con em đi học đều phải sắm sửa áo quần, sách vở, bột giặt…”.

Nếu nói các doanh nghiệp trong nước không quan tâm đến thị trường nông thôn là chưa đúng, bởi trước đó đã có rất nhiều công ty, nhà phân phối, đại diện chi nhánh các nhãn hàng như Comfort, Vissan,  Aji-ngon, Omo… từng đến đây đặt vấn đề với các hộ kinh doanh nhận bán lẻ.

Gần đây nhất là hai nhãn hiệu mì Tiến Vua và nước mắm Nam Ngư đã có hẳn một chương trình tặng và dùng thử miễn phí sản phẩm, nhằm đưa thương hiệu của mình đến với vùng quê, thu hút rất đông sự quan tâm của người dân. Nhưng để bán được hàng, các doanh nghiệp phải có một thời gian dài kiên trì với công tác tiếp thị, tặng quà, phải hơn hẳn sản phẩm cùng loại cả về giá và chất lượng, họ mới mua.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.