Hơn 9.000 du khách đến Đà Nẵng trong dịp lễ
Mưa nhiều trong mấy ngày qua cũng không ngăn được lượng du khách đổ về các khu du lịch (KDL) để vui chơi, nghỉ ngơi. Vào những buổi chiều có nắng nhẹ, các KDL Bãi Rạng, Bãi Ban, Hồ Bình, bãi biển Mỹ Khê… vẫn đón trên 5.000 khách, chủ yếu là người dân địa phương và du khách đến từ các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Bình Định và TP. Hồ Chí Minh. Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, có gần 1.300 khách đi tour lên đỉnh bán đảo và dừng chân tại các điểm: đỉnh Bàn Cờ, lầu Vọng Cảnh, cây đa nghìn tuổi…
Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón nhiều khách quốc tế dịp lễ vừa qua. Ảnh : H.VANG |
Như vậy, theo ước tính của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tổng cộng khoảng 9 nghìn du khách đã tới Đà Nẵng trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là khách nội địa và công vụ. Các resort, khách sạn ven biển như Furama (198 phòng), Sandy Beach (123 phòng), Tourane (69 phòng), cụm 3 khách sạn Mỹ Khê (142 phòng)… đều kín phòng. Những khách sạn ở trung tâm thành phố đạt công suất phòng từ 55-85%.
l Năm nay, do thời tiết thất thường, suốt 3 ngày nghỉ cuối tuần trời mưa nhiều, khiến kế hoạch đi chơi của nhiều người bị gác lại. Thay vào đó, nhiều gia đình tổ chức ăn uống tại nhà hoặc đến các quán ăn, nhà hàng. Từ cả tuần trước, các nhà hàng đã trữ sẵn một lượng lớn thực phẩm. Ghi nhận tại một số quán ăn ven biển cho thấy, lượng khách tăng vọt so với ngày thường. Chủ quán 45 đường Phạm Văn Đồng cho biết: Khách chủ yếu là các gia đình ở thành phố Đà Nẵng đến thưởng thức các loại hải sản. Vì thế, dù nhà hàng đã chuẩn bị sẵn một lượng lớn thực phẩm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thực khách.
Theo BQL chợ đầu mối Hòa Cường, mấy ngày vừa qua trời mưa nhiều ở một số tỉnh nên lượng rau củ, quả về không nhiều, chỉ trên 100 tấn như những ngày bình thường. Rau quả chủ yếu từ phía Bắc và phía Nam, rau xanh ở Quảng Nam hết mùa và một phần do bị vùi dập bởi những trận mưa. Giá cả mặt hàng rau quả không tăng nhiều, chỉ tăng nhẹ từ 300 – 500 đồng kg/loại, đối với một số loại rau sống, hành hương, chuối chát, dưa leo, chanh, ớt…
Riêng hải sản tại các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, Đống Đa, Hòa Khánh sức tiêu thụ lớn, giá cả vì thế cũng tăng đáng kể. Cụ thể sáng ngày 30-4, tại chợ Hàn, mực ống loại lớn 100 ngàn đồng/kg, tôm lớn 90 ngàn đồng/kg, cá mú 180 ngàn đồng/kg, cá thu lớn 120 ngàn đồng (ướp đông), thịt bò 135 ngàn đồng/kg, thịt gà ta 90 - 110 ngàn đồng/kg. Tại các điểm bán gia cầm sạch, gà ta tiêu thụ khá mạnh với giá 130 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, thịt heo lại tiêu thụ chậm.
Trong mấy ngày lễ vừa qua, số lượng các loại gia súc tại các lò mổ lớn trên địa bàn giảm mạnh, ngược lại, gia cầm lại tăng đáng kể. Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho hay: Từ ngày 30-4 đến ngày 3-5, tại lò mổ Đà Sơn đã giảm khoảng 10-12% lượng heo đưa vào giết mổ, chỉ còn 600 con mỗi ngày. Số lượng gà mổ cung cấp ra thị trường tăng lên gấp đôi, 5 lò mổ lớn trên địa bàn là Đà Sơn, Quyền Chanh, Hà Sính-Kim Anh, Hòa Phước, Hòa Tiến mổ từ 3.000 – 5.000 con/ngày.
Cũng trong những ngày qua, lượng khách đến các siêu thị Big C, Metro, Intimex, cửa hàng băng đĩa nhạc, điện tử, điện máy khá đông. Nhờ áp dụng các chính sách giảm giá và các chương trình khuyến mãi “kép” (vừa dịp lễ vừa sinh nhật như Intimex, hoặc trong Tuần lễ hàng Việt Nam), nhiều người dân không bỏ qua cơ hội mua hàng ưu đãi. Sức mua được các siêu thị cho biết tăng từ 30 – 70% so với trước khi chưa áp dụng các chương trình khuyến mãi.
Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT thành phố, những ngày nghỉ lễ vừa qua, đơn vị vẫn cử các cán bộ trực ban thường xuyên, theo dõi, nắm tình hình diễn biến thị trường. Qua báo cáo sơ bộ trong 3 ngày qua, không xảy ra biến động về giá ở các mặt hàng thiết yếu.
HẰNG VANG - DUYÊN ANH