.
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Đi từ các mặt hàng thế mạnh

.

Trong ba năm trở lại đây, tính từ năm 2006 (thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO), kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tăng đáng kể. Thị trường XK từng bước mở rộng về quy mô, và đến nay sản phẩm của các DN đã XK sang gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, những thị trường XK chủ đạo, có tiềm năng lớn nay đứng trước nguy cơ bị thu hẹp.

Xuất khẩu những tháng cuối năm 2009 dự đoán còn gặp nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp.

Năm 2006, tổng kim ngạch XK hàng hóa toàn thành phố đạt gần 378 triệu USD, đến năm 2008 đạt trên 587 triệu USD. Châu Á, châu Âu, Mỹ có mức tăng trưởng cao so với các thị trường khác nhờ việc đẩy mạnh tìm kiếm các bạn hàng và nâng cao chất lượng hàng hóa. Các mặt hàng XK của thành phố chủ yếu vẫn là thủy sản đông lạnh, hàng may mặc, giày các loại, cao su thành phẩm, cà-phê, đồ chơi, hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất.

Thủy sản là một trong 3 mặt hàng có giá trị XK lớn nhất (cùng với dệt may và giày), chiếm tỷ trọng 60% tổng kim ngạch XK hàng hóa của thành phố; riêng thủy sản đông lạnh năm 2008 xuất khẩu trên 100 triệu USD. Đến nay, sản phẩm thủy sản đông lạnh đã XK sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Mỹ đang giữ vị trí số 1, chiếm 31% trong tổng kim ngạch XK thủy sản của Đà Nẵng, tiếp đến là Nhật Bản chiếm 30%, các nước Đông Bắc Á (gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông) chiếm 20%.

EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, nhưng trong những năm qua, tỷ trọng XK thủy sản đông lạnh sang thị trường này không tăng, chỉ dao động ở mức 12% đến 15% do yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như quy định ngặt nghèo về mức dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Nhìn chung, thủy sản đông lạnh có năng lực cạnh tranh tại thị trường nước ngoài về chất lượng cũng như giá cả và đang có xu hướng mở rộng sang Đông Âu, Nam Mỹ và châu Phi; tuy nhiên gần đây, mặt hàng tôm đông lạnh đang bị cạnh tranh bởi các sản phẩm tương đồng từ các nước như Thái Lan, Indonesia, các nước Nam Á và Nam Mỹ.

Về hàng may mặc, kim ngạch XK tăng đều qua mỗi năm, tốc độ tăng bình quân từ các năm 2005-2008 là 18%, đã xuất sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng 54% giá trị kim ngạch XK sản phẩm may mặc của thành phố và là thị trường tiêu thụ lớn với tăng trưởng rất nhanh, bình quân trên 30%/năm, do đặc điểm thị trường này có nhu cầu tiêu thụ đa dạng từ cấp thấp đến cấp cao, mặc dù còn bị phụ thuộc bởi hạn ngạch.
 
Tiếp đến là EU chiếm 20,5%; Nhật 10,7% với yêu cầu về chất lượng rất cao, và các nước khác chiếm 14,5%. Riêng thị trường EU đã và đang được mở rộng do đã dỡ bỏ hạn ngạch, tuy nhiên vẫn bị cạnh tranh quyết liệt bởi hàng của Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Malaysia.... Việc giữ vững thị trường còn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp còn thụ động trong việc tìm kiếm bạn hàng, khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn còn hạn chế ở một số doanh nghiệp.

Một số mặt hàng khác như giày các loại, thủ công mỹ nghệ, nông-lâm sản hằng năm có giá trị XK tương đối khá. Sản phẩm giày các loại đã XK sang gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải rộng khắp các châu lục, nhưng thị trường chính là châu Âu, chiếm gần 70% giá trị XK, các thị trường còn lại khoảng hơn 30%. Tuy nhiên, sản phẩm giày còn phụ thuộc rất lớn vào việc đặt hàng của các công ty nước ngoài và giá gia công bị cạnh tranh gay gắt bởi Trung Quốc, Brazil và các nước Đông Nam Á, hiệu quả mang lại của ngành này đang ở mức thấp.
 
Hàng thủ công mỹ nghệ đã xuất sang gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ở các châu lục với kim ngạch XK trên 40 triệu USD năm 2008. Với nông-lâm sản, hằng năm giá trị XK đạt từ 45 – 50 triệu USD (cà-phê chiếm trên 50%), chủ yếu ở các thị trường Trung Quốc, Lào, EU, Đông Âu, Mỹ, Nhật… Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 đầu 2009, tình hình đầu ra ở hầu hết các mặt hàng này gặp khó khăn.

Theo Sở Công thương thành phố, XK những tháng đầu năm 2009 giảm đáng kể, chỉ một số ít các doanh nghiệp duy trì được các đơn hàng đến hết năm. Đứng trước tình hình các thị trường trọng điểm dần thu hẹp, thành phố đã có những định hướng để phát triển thị trường XK, nhằm bảo đảm chỉ tiêu XK trong năm 2009 và những năm tới.
 
Đó là tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân như thị trường Hoa Kỳ tăng 25-26%/năm, EU tăng 20-22%/năm, Nhật Bản tăng 23-25%/năm. Các thị trường chiến lược được xác định là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nga, Đông Âu, châu Phi, Nam Á, Nam Mỹ và Lào, do các thị trường này có nhu cầu tiêu dùng đa dạng, các rào cản phi thương mại không quá phức tạp.
 
Cụ thể, thị trường Trung Quốc tăng 25-27%/năm, Hàn Quốc tăng 20-22%/năm, ASEAN tăng 10-15%/năm, trong đó Lào tăng 15%/năm, Nga và Đông Âu tăng 10-13%/năm, châu Phi, Nam Á và Nam Mỹ tăng 10-15%/năm. Bên cạnh đó, phát triển thị trường XK là ưu tiên trong việc xây dựng chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của thành phố.
 
Thông qua việc xâm nhập mạng lưới bán lẻ tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thương mại Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ-triển lãm tại một số quốc gia châu Âu, Mỹ; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa Đà Nẵng và các thương vụ Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mexico, Hồng Kông, Nam Phi, Nga…

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.