.

Ngân hàng luôn tạo điều kiện cho nông dân vay vốn ưu đãi

.

65,5 tỷ đồng đã giải ngân cho gần 500 doanh nghiệp, chủ trang trại, hộ nông dân, là kết quả mà Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ. Số tiền và số hộ đã giải ngân chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với nhu cầu về vốn ở huyện có hơn 25 nghìn hộ nông dân. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thông (ảnh), Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hòa Vang.

* P.V: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định 131/QĐ-TTg, 443/QĐ-TTg và 497/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất vốn vay, trong đó ưu tiên kinh tế nông nghiệp nông thôn. Đến nay, chi nhánh đã triển khai như thế nào, thưa ông? 

 

- Ông Lê Thông: Ngay sau khi tiếp nhận chính sách kích cầu của Chính phủ, Chi nhánh đã phối hợp với UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể, phổ biến đến tận người dân nội dung các văn bản về hỗ trợ lãi suất vốn vay. Ngoài việc cấp phát gần 200 bộ tài liệu cho các địa phương, các tổ chức đoàn thể, chi nhánh còn phối hợp với Đài Truyền thanh huyện phát mỗi ngày 3 lần nội dung các gói kích cầu; tổ chức 5 buổi phổ biến các quyết định của Chính phủ cho hàng nghìn lượt cán bộ, nông dân trên địa bàn; cử cán bộ về từng địa phương phổ biến cặn kẽ chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay.

Tính đến nay, chi nhánh đã giải ngân cho gần 500 doanh nghiệp, chủ trang trại và hộ nông dân 65,5 tỷ đồng, bằng 50% số dư nợ. Hiện tại, hàng chục tổ vay vốn đã được thành lập, hàng trăm hồ sơ đã và đang giải ngân gói kích cầu thuộc QĐ 497/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây nhà ở khu vực nông thôn.

* P.V: Hòa Vang là địa phương sản xuất nông nghiệp, có hàng chục nghìn hộ nông dân, đến nay số hộ được giải ngân rất ít, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đó, thưa ông?

- Ông Lê Thông: Gói kích cầu thuộc QĐ 497/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn bắt đầu triển khai từ 1-5. Từ đó đến nay, ngoài việc phổ biến nội dung quyết định, chi nhánh thành lập hàng chục tổ vay vốn, tiến hành thẩm định, hoàn tất hồ sơ, do vậy số giải ngân còn ít.

Tuần tới, hàng trăm hồ sơ sẽ được giải ngân. Tuy vậy, các quy định về hỗ trợ lãi vay chưa cởi mở, thông thoáng đối với nhu cầu về vốn của nông dân. Quy định chỉ cho vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trong khi đất canh tác ít, manh mún, nhỏ lẻ, số máy đã có gần như đáp ứng đủ, nhu cầu mua máy mới trong nông dân không nhiều.
 
Đó là chưa nói, yêu cầu máy móc, thiết bị sản xuất trong nước, trong khi loại đó trên thị trường rất khan hiếm, giá cao. Về cho vay mua vật tư, phân bón 7 triệu đồng/ha, ở Hòa Vang ít hộ sản xuất diện tích lớn, thường chỉ dăm bảy sào, số tiền được vay không nhiều, từ đó ít hộ lập thủ tục xin vay. Đối với vay mua máy vi tính cũng vậy, số tiền vay 5 triệu đồng/máy. Đây là hàng tiêu dùng, trong khi ở Hòa Vang đời sống còn khá khó khăn, không phải hộ nào cũng có nhu cầu.

Hoặc như chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua vật liệu làm nhà ở, ngân hàng phải xem xét đến khả năng trả nợ. Nhà nước hỗ trợ 4%/năm lãi suất vay, còn vốn ngân hàng đảm nhiệm. Vốn này do huy động mà có, giải quyết cho vay phải tuân thủ các quy định về tín dụng. Do vậy, không phải ai cũng vay được, những hộ không có khả năng trả nợ khó tiếp cận với nguồn vốn này.
 
Trong khi đó, nhu cầu đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất giống của nông dân rất lớn lại không thấy đề cập đến. Đó là chưa kể nhiều hộ đang vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội, nay vay tiếp ở Ngân hàng NN&PTNT cùng dự án đó, rất khó giải quyết. Từ các yếu tố nêu trên, dẫn đến số hộ làm thủ tục vay vốn không nhiều. Về các gói kích cầu này, ngân hàng chỉ thực hiện các điều khoản như trong Quyết định đã ban hành. Tuy nhiên, chi nhánh sẽ tạo điều kiện tối đa cho nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi này.   

* P.V: Hiện nay, có tâm lý nông dân ngại tiếp cận với vốn vay, cho dù đó là vốn được ưu đãi về lãi suất. Ông có thể cho biết đôi điều về vấn đề này.

- Ông Lê Thông: Trước hết phải hiểu rằng, đã vay thì phải trả và trả đúng kỳ hạn đã cam kết. Ở đây, ngân hàng quản lý vốn cho vay chặt chẽ như cho vay bình thường và yêu cầu người vay tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tín dụng. Không có chuyện giải ngân tràn lan mà không biết chắc được khả năng trả nợ của đối tượng vay. Vay phát triển sản xuất kinh doanh, yêu cầu phải có dự án khả thi, cán bộ ngân hàng thẩm định trước khi giải ngân, trong khi đa số nông dân đang rất lúng túng về hướng làm ăn, họ không mạnh dạn đầu tư, do vậy không mấy mặn mà với vốn vay, cho dù là vốn vay ưu đãi về lãi suất.

Ngoài ra, các thủ tục vay các gói kích cầu phải hội đủ nhiều yếu tố, trong đó hóa đơn chứng từ mua hàng không thể thiếu, điều này không hề đơn giản đối với nông dân vốn quen mua bán trao tay không cần hóa đơn, chứng từ. Hiện tại, ngân hàng không hề thiếu vốn và rất cần giải ngân giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất, nhưng vốn phải sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Về vấn đề này, cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng và hội đoàn thể về việc mở ra các dự án phát triển kinh tế khả thi để nông dân mạnh dạn vay vốn đầu tư làm ăn quy mô lớn.

P.V : Xin cảm ơn ông.

NGUYỄN CẦU (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.