.

Nghề kiếm củi

.

Dọc đường đi vào thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), có không biết cơ man nào là củi. Củi chất thành từng đống lớn, đợi dân buôn dưới xuôi đến chở về. Củi bán ra giúp người làng (chủ yếu là người Cơtu) có tiền tiêu từng ngày, chi dùng lặt vặt, nên nghề kiếm củi mặc nhiên trở thành nghề chính.

Tới 60 tuổi, họ vẫn có thể vào rừng vác củi.

Từ sáng sớm, trước khi đài phát thanh “nói”, nhà nhà đã trở dậy, soạn sửa đi củi. Từ già đến trẻ, bất kể đàn ông hay đàn bà đều chia nhau đi hút vào trong núi xa, lùng tìm cành cây khô lẫn trong đám dây leo để chặt. “Tiêu chuẩn” của củi là phải to hơn hai ngón tay người lớn chắp lại, và nhìn “ngon ngon”, càng thẳng thớm càng tốt. Củi tốt được ưu tiên đem bán; củi dài dùng làm giàn bầu, giàn bí; còn củi xấu, tong teo được bà con giữ lại để đun nấu. Người vùng này vác củi không hề biết mệt.

Bà Lê Thị Vân, tuổi đã gần 60 mà vẫn vác 2 bó lên vai đi ào ào. “Hồi ở dưới xuôi mới về làm dâu, tui đâu vác nổi. Chừ quen rồi, cứ rứa đi thôi” - bà nói vui. Theo bà, người ở đây từ khi lên mười, biết làm việc vặt là đã có thể đi kiếm củi. Người già 2 bó, người khỏe 3-5 bó thì trẻ con lút cút đi sau người lớn cũng phải được một ôm nho nhỏ. Cả khi làm ruộng, họ cũng tranh thủ nhặt nhạnh. Hôm nào quá bận việc đồng áng, họ cắt cử luân phiên: người ngoài ruộng, người vào rừng tìm củi.
 
Chị Mai Thị Tuyết Bê, hiện là nhân viên của Khu du lịch (KDL) Suối Hoa (Hòa Phú), ngoài mấy tháng mùa hè chị làm cho KDL, các tháng khác vẫn về đi củi như thường. Mưa thì đội áo mưa đi, nắng lại càng phải lội sâu vào rừng để kiếm củi chắc. Bởi vậy, từ đầu thôn tới cuối xóm lù lù những đống củi lớn. Mỗi đống được buộc bằng một loại dây riêng, đủ màu xanh-vàng-đỏ, để phân biệt củi của người này với người kia.

Một bó củi nhỏ chỉ được dân buôn tính 2.200 đồng, nên lúc nào người ta cũng phải ráng rẫm vác càng nhiều bó càng tốt. Chị Bê cho hay, mỗi buổi chị đều cố vác được 5 bó để đổi lấy 11.000 đồng, chiều lại tiếp tục như thế. Mức giá này, theo nhiều người, đã được áp dụng từ hơn 10 năm trước. Nhưng thời gian qua, dù giá củi trên thị trường có lên xuống bao phen, thì số tiền mà dân buôn trả cho người làng vẫn không thay đổi.

Một người dân giải thích: “Dân trong thôn thường nhận tiền trước, sau đó mới đi củi trả lại cho dân buôn. Thành ra họ nói giá mấy mình cũng chịu, không đòi hỏi thêm được”. Người khỏe nhất đi từ sáng đến chiều mới có thể kiếm được 30.000 đồng/ngày.

Theo ông Trưởng thôn Đinh Văn  Nhom, hầu như nhà nào cũng có người đi củi. Bởi ngoài những công việc mang tính thời vụ như chăn bò, phát cây dại ở rừng tràm, làm nông... thì kiếm củi được xem là đem lại nguồn thu nhập ổn định, đều đặn nhất, dù không nhiều. Bữa cơm hằng ngày, mua sắm ít thứ lặt vặt cũng nhờ cả vào đó.

Bài và ảnh: TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.