.

Những đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp

.

Với trên 12 nghìn DN, thành phố Đà Nẵng quy tụ một đội ngũ khá đông DN và doanh nhân tham gia tích cực trong phát triển kinh tế thành phố. Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là DN phát triển chưa xứng tầm, sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, thiếu thị trường và chiến lược quảng bá sản phẩm... 

Doanh nghiệp Đà Nẵng rất cần nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển, trong đó có vấn đề quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có hơn 12 nghìn DN (kể cả khu vực dân doanh, Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài). DN ở Đà Nẵng tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng chậm cải thiện về chất lượng. Số lượng DN đông nhưng không mạnh, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc liên kết, hợp tác với nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phần lớn DN ở Đà Nẵng là DN vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, nguồn lực nên chậm phát triển, đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, không ít DN chưa hoạch định được chiến lược, kế hoạch dài hạn, hoạt động chủ yếu mang tính tự phát theo biến động thị trường, mục tiêu vì lợi nhuận trước mắt. Một số lớn khác, DN lại chưa quan tâm đến vấn đề phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, khuếch trương hình ảnh DN. Hằng năm, mức chi phí cho các hoạt động này đối với các DN Đà Nẵng rất thấp, thể hiện qua việc rất ít tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các cuộc hội chợ, triển lãm ngay tại địa phương. Gần đây, thành phố đã mở một số trang thông tin điện tử nhằm hỗ trợ DN xúc tiến thương mại nhưng DN cũng không mặn mà. Ngay trang thông tin điện tử của UBND thành phố cũng chỉ có vài DN tham gia.

Thiếu tính tương tác về vấn đề thị trường, sản xuất sản phẩm, dẫn đến DN Đà Nẵng có tình trạng hạn chế về cập nhập, xử lý thông tin thị trường thế giới, những định chế và thông lệ quốc tế còn hạn chế, thậm chí ở chính đội ngũ cán bộ quản lý DN. Chính điều này gây không ít khó khăn và hạn chế năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay. Do đó, việc quan tâm và có chính sách để xây dựng, phát triển DN Đà Nẵng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, để DN Đà Nẵng phát triển mạnh, ngoài sự chủ động, ý thức vươn lên tự đổi mới của DN là yếu tố quyết định, chính quyền thành phố cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện, cơ sở cho DN phát triển và khuyến khích, định hướng DN phát triển. Theo bà Lê Thị Kim Phượng, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư, để hỗ trợ DN phát triển, vấn đề đầu tiên là phải giải quyết về vốn bằng nhiều nguồn. Thành phố cần khuyến khích các ngân hàng tăng cường nguồn vốn tín dụng cho vay đầu tư, sản xuất, có chính sách mở, tạo điều kiện cho vay không hạn chế số lượng, thành phần, nhưng hướng vào các ngành nghề, DN làm ăn có hiệu quả.

Đối với những dự án cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thành phố cần đứng ra bảo lãnh để DN được vay vốn từ các ngân hàng. Vấn đề này được thực hiện khá thành công đối với DN ngành Xây dựng khi tham gia các dự án phát triển đô thị ở Đà Nẵng. Ngoài ra, thành phố cần hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các DN vừa và nhỏ nhưng làm ăn có hiệu quả thông qua Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, để thúc đẩy DN khu vực này phát triển, bởi hiện tại nguồn quỹ thấp, số DN được hưởng ưu đãi vay vốn chưa nhiều.

Ở một kênh vốn khác là hiện nay, các tổ chức tín dụng và tài chính quốc tế như World Bank, Ngân hàng Phát triển châu Á có Chương trình Hợp tác công tư (Public - Private Partnership Program) đang triển khai một phần về vốn dành cho khối DN tư nhân tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, cung cấp khoản vốn tài trợ cho Nhà nước để thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực đầu tư, phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng.

Các tổ chức này thường tài trợ vốn để Nhà nước cho khu vực tư nhân vay thông qua các Quỹ Hỗ trợ phát triển của địa phương với lãi suất thấp hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại và thời gian vay dài hơn. Tiếp cận với các chương trình này, thành phố sẽ có thêm nguồn tín dụng hỗ trợ cho DN đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, xây dựng nhà ở. Do đó, thành phố cần chỉ đạo Quỹ Đầu tư phát triển thành phố tiếp tục phát triển, hoàn thiện năng lực hoạt động và chủ động tiếp cận với các tổ chức tài chính để được tham gia Chương trình Hợp tác công tư.

DN cần tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức tại thành phố.

Vấn đề thứ hai là hỗ trợ DN phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm. Dựa trên Chiến lược xuất khẩu của thành phố từ nay đến 2010, thành phố cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác xúc tiến thương mại, tổ chức giới thiệu sản phẩm XK của các DN Đà Nẵng tại 3 trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các thị trường Mỹ, Nga và Dubai.

Hiện nay, nhiều DN sản xuất hàng xuất khẩu ở Đà Nẵng hầu như xuất qua trung gian, chưa tạo được thương hiệu riêng cho mình. Vì vậy, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các DN xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu riêng để đẩy mạnh XK. Bên cạnh đó, việc sớm xây dựng một trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm và thương hiệu của các DN địa phương tại Đà Nẵng cũng là một hình thức tập trung quảng bá sản phẩm xuất khẩu đến thương nhân và du khách quốc tế đến Đà Nẵng. Đồng thời, giúp người tiêu dùng Đà Nẵng và trong nước biết đến sản phẩm của thành phố, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.

Vấn đề thứ ba là luôn cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, phải tạo điều kiện thuận lợi cho DN về thủ tục hành chính, bố trí mặt bằng ổn định để sản xuất, kinh doanh, giải quyết nhanh và thỏa đáng các vướng mắc, kiến nghị của DN. Thành phố cùng với DN xây dựng và phát triển nguồn lao động và hỗ trợ DN giữ chân người lao động bằng nhiều chính sách, trong đó có vấn đề nhà ở, môi trường sinh hoạt hiện đang là vấn đề bức xúc của công nhân, lao động.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TÙNG

;
.
.
.
.
.