.

Những quả ngọt đầu mùa

.

Với cơ ngơi còn khá khiêm tốn, chỉ trên 100 mét vuông nhà và cũng chừng đó diện tích dành cho nhà lưới, trang thiết bị cũng chỉ có 27 đầu máy cơ bản như nồi hấp, nồi sấy, tủ cấy, tủ đông… tuy nhiên, chỉ hơn một năm chính thức đi vào hoạt động, Phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật đã cho ra những quả ngọt đầu tiên.

Kỹ sư Võ Hoàng Thúy An đang chăm sóc cho vườn lan đầu dòng.

Đưa chúng tôi đi thăm các phòng chức năng, cô kỹ sư trẻ Võ Hoàng Thúy An say sưa giới thiệu không ngớt những sản phẩm đang được nuôi cấy tại phòng: Đây là lan Catleya, kia là lan Vũ nữ, lan Đenro, lan rừng… Còn phòng này là các loại cúc như cúc Tiger, cúc 9999, cúc Đại đóa và  có cả chuối thanh tiêu nữa. Chưa hết, trong phòng này còn có cả cẩm chướng, đào chuông được sưu tầm về từ rừng Bà Nà đang trong quá trình thuần hóa...
 
Cô còn cho biết: Ở đây đa số là nữ và cũng mới có một chị có gia đình, nhưng ai cũng bận bịu như có con mọn. Cứ sáng sớm từ thành phố chạy xe máy lên đến đây là lao vào việc, đến tận chiều tối mới về. Bận bịu suốt ngày nhưng không thể khác được, vì việc nuôi cấy tế bào mô thực vật này cứ phải chăm sóc suốt ngày, thậm chí ban đêm cũng phải có người trông coi. Nếu sơ sẩy để một cây bị bệnh mà không xử lý kịp thì cả vườn sẽ bị lây và chết hết.

Sự nỗ lực hết sức mình của tập thể 11 kỹ sư, cử nhân trẻ được đào tạo bài bản đã có kết quả rất tốt. Trước đây, người trồng hoa ở Đà Nẵng phải lấy giống các loại cây hoa cúc từ Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí là Hà Nội về ươm trồng, nhưng do đa số giống không rõ nguồn gốc và nhất là khí hậu giữa Đà Nẵng và các vùng nói trên không đồng nhất, nên tỷ lệ cây sống và phát triển tốt không nhiều.
 
Sau khi chuyển giao thành công cây giống cho hai hộ trồng hoa, kiểm tra cho kết quả tốt, hiện nay giống từ Phòng nuôi cấy mô đã được 60 hộ trồng tại vườn nhà. Qua kiểm tra thực tế từ các hộ này cho thấy tỷ lệ cây sống rất cao và phát triển tốt, nhất là ít bị sâu bệnh so với nguồn giống lấy từ các nơi như trước đây. Hiện nay, trung tâm đang gấp rút cung cấp 4 nghìn cây hoa cúc giống đầu tiên ra thị trường, theo đơn đặt hàng của các hộ trồng hoa tại Đà Nẵng.
 
Bên cạnh đó, dòng hoa lan Đenro và chuối thanh tiêu cũng đã hoàn tất khâu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và đang chuyển sang giai đoạn thuần dưỡng ngoài môi trường tự nhiên. Riêng vườn lan đầu dòng theo đơn đặt hàng của thành phố, đến nay đã sưu tầm được trên 30 loại và nuôi dưỡng thuần hóa trong vườn ươm. Hầu hết những loại lan này đã gần được một tuổi và chuẩn bị ra hoa. Đây là loại hoa có thị trường rất rộng, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh miền Trung.

Đ ặc biệt hiện nay, Phòng nuôi cấy mô đang hợp tác với khoa Sinh của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tiến hành nghiên cứu và  thuần hóa nhóm các loại cây lá màu đỏ trên rừng Bà Nà-Núi Chúa. Công tác khảo sát và lấy mẫu để phân tích đang được tiến hành khẩn trương. Sắp đến phòng sẽ  phối hợp với Viện Sinh học thực hiện một dự án khá quy mô là sưu tầm, nghiên cứu, thuần dưỡng một số loại cây thuốc quý hiếm của rừng Bà Nà-Núi Chúa.

Công việc hằng ngày và những kế hoạch sắp đến đã chiếm hết thời gian của tập thể những kỹ sư, cử nhân sinh học trẻ nơi đây. Tuy nhiên khi trò chuyện với chúng tôi, tất cả gần như không ai quan tâm đến vấn đề đó mà cứ say sưa nói về những dự định sắp đến của mình. Theo lý giải của kỹ sư Nguyễn Thị Xuân, “đó là điều dễ hiểu vì một khi đã yêu công việc thì sự bận rộn này chỉ làm mình vui lên, chứ không thấy vất vả gì”.

Thanh Vân

;
.
.
.
.
.