Trong chuyến ngược núi gần cuối tháng 4, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Huỳnh Như Khánh, ở thôn 5 xã Hòa Ninh (Hòa Vang). Đây là lần thứ 3 kể từ năm 1999, chúng tôi đến với gia đình này. Những gì tận mắt chứng kiến ở hộ từng được coi nghèo nhất nhì xã 10 năm trước, làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Ngôi nhà tạm tuềnh toàng ngày nào nay đã thay bằng ngôi nhà xây khang trang. Phía sau là khu trang trại nuôi heo quy mô công nghiệp. Trong nhà, bộ sa-lông tay uốn nổi bật trên nền gạch men bóng loáng. Tivi, tủ lạnh, xe máy đều loại xịn.
Vườn tiêu của gia đình ông Huỳnh Như Khánh ở thôn 5 xã Hòa Ninh. |
Tính cả kinh tế vườn và rừng trồng, mỗi năm lãi trên trăm triệu. Khi chúng tôi gợi lại thời gian khó, ông cười: “Quên làm sao được. Hồi đó, ngôi nhà tạm khuất sau hẻm núi, nửa năm chẳng ai ghé qua. Đường vào nhà phải băng qua thửa ruộng và làm gì có điện lưới như bây giờ. Dạo đó, ngày lên núi đốn củi, đêm về thả lưới dưới hồ Hòa Trung kiếm cá. Bữa nào cá ít coi như bữa đó đói”.
Ở Hòa Ninh, chuyện xóa nghèo, làm giàu như hộ ông Khánh không hiếm. Cách đây vài ba năm, ông Đỗ Văn Nhẫn ở thôn Đông Sơn bỏ tiền tỷ xây biệt thự, được coi là chuyện lạ ở miền sơn cước. Và nay, hộ ông Hoàng Thanh Hà đầu tư 250 triệu đồng xây thêm ngôi nhà 2 tầng từ sự tích lũy nhiều năm trong nghề sản xuất chổi đót gia đình.
Ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, ít ai nghĩ người đàn ông vẫn thường đi chở cá thuê, thậm chí có lúc chạy xe ôm gần 20 năm trước, nay là giám đốc công ty do ông lập nên. Công ty TNHH Xuân Hồng của ông mỗi năm ươm trên 2 triệu cây giống các loại, doanh thu không dưới vài tỷ đồng. Ông là Thái Công Ẩn. Người tường tận hoàn cảnh gia đình vị giám đốc này gần 20 năm trước, ông Trần Văn Hiệp, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho hay: “Dạo đó, gia đình ông ấy nghèo lắm. Nhận ươm cây giống cho dự án mà chạy ăn từng bữa. Nay không chỉ giàu có mà ông còn nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, trong 5 người con, có 3 đang học đại học”.
Ông Thái Công Ẩn (người ngoài cùng, bên phải) đang trao đổi với các cán bộ ngành Nông nghiệp và Ngân hàng huyện Hòa Vang. |
Về Hòa Vang bây giờ sẽ bắt gặp biết bao sự lạ. Không ít người dăm bảy năm trước còn gò lưng đạp xe đi làm thuê, nay là ông chủ. Tại Hòa Tiến, hiện toàn xã có 16 doanh nghiệp, 14 trang trại, thu hút gần 1 nghìn lao động. Thu nhập bình quân hơn 9 triệu đồng/người/năm. Hàng trăm nhà đúc tầng, 30 chiếc ô-tô, hàng trăm chiếc xe máy...
Còn tại thôn Phú Túc, nơi bà con người Cơtu sinh sống, ngôi trường 2 tầng vừa hoàn thành chưa lâu chỉ để dạy gần 50 cháu cả tiểu học, mẫu giáo là con em trong thôn. Ở Hòa Vang hiện đã bê-tông hóa kiệt xóm đến tận ngõ từng nhà, trường học, trạm xá gần như 100% đã tầng hóa, 100% hộ dùng điện lưới...
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU