.

Thành tích thầm lặng

.

Được thành lập vào giữa năm 2004, Trung tâm Phân tích, phân loại miền Trung (TTPTPLMT) tại Đà Nẵng có nhiệm vụ phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), xác định tên hàng, mã số hàng hóa nhằm phục vụ trực tiếp cho các nghiệp vụ kiểm tra giám sát hải quan, kiểm tra thu thuế XNK, chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan… các tỉnh trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phòng thí nghiệm mới của trung tâm.

Ông Đỗ Văn Quang, Giám đốc TTPTPLMT cho biết: Khi mới thành lập, trung tâm chỉ tiếp nhận 9 mẫu yêu cầu phân tích, nhưng từ đầu năm 2005 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, xử lý và tiến hành phân tích, phân loại theo yêu cầu của các đơn vị Hải quan địa phương hàng ngàn mẫu hàng hóa các chủng loại, trong đó trên 70% là các mặt hàng hóa chất, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi; số còn lại thuộc các mặt hàng vải, giấy, cơ khí, điện tử…
 
Nếu như trước đây, do điều kiện và năng lực chưa bảo đảm nên một số mẫu phân tích phải chuyển đến trung tâm miền Bắc xử lý giúp. Còn nay, với những trang thiết bị mới được trang bị, trung tâm không chỉ tự xử lý hầu hết các mẫu mà còn xử lý giúp các mẫu do các trung tâm khác gửi đến.

Hiện nay, việc phân tích, phân loại hàng hóa XNK còn mới và rất khó, đòi hỏi người thực hiện phải nắm chắc kiến thức về khoa học kỹ thuật, cũng như vận hành các loại máy móc, thiết bị... Chính vì vậy, trung tâm đã không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ buổi ban đầu chỉ với 6 cán bộ, chuyên viên, đến nay trung tâm đã có 21 người, trong đó 40% đang theo học chương trình sau đại học và trong năm 2009, phấn đấu có thêm 30% theo học chương trình sau đại học. Đặc biệt, trung tâm đã cử 1 chuyên viên đi bồi dưỡng nghiệp vụ tại Phòng Thí nghiệm Trung ương của Hải quan Nhật Bản và 1 chuyên viên đang theo học và thực tập tại Pháp.
 
Trong 5 năm qua, cơ sở vật chất của TTPTPLMT đã được tăng cường như hoàn thành đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; xây dựng phòng thí nghiệm mới với đầy đủ những trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, phân tích cơ bản và hiện đại với tổng kinh phí đầu tư 86 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu phân tích phân loại mẫu hàng hóa của các đơn vị Hải quan địa phương trong khu vực và cả nước hiện nay.

Ông Đỗ Văn Quang cũng cho biết thêm: Qua kết quả phân tích, phân loại cho thấy thực trạng đáng lo ngại, đó là tỷ lệ doanh nghiệp khai đúng mã số hàng hóa chỉ đạt 32,1%, doanh nghiệp khai sai mã số hàng hóa chiếm đến 67,9% và không có xu hướng giảm. Trong đó, khai sai mã số có thuế suất tăng chiếm 26,5%, thuế suất giảm 15,8% và điều chỉnh mã số nhưng không thay đổi thuế suất là 25,7%; có những mặt hàng thay đổi thuế suất tăng từ 10% lên 50% như mặt hàng ngói dùng trong xây dựng, mặt hàng rờ-le bảo vệ so lệch máy biến áp, bộ chuyển đổi nguồn ATS...

Trên cơ sở phân tích, phân loại của trung tâm, các đơn vị Hải quan địa phương đã điều chỉnh mã số hàng hóa XNK theo hướng tăng thuế, qua đó truy thu thuế XNK cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, chất lượng các thông báo kết quả phân tích phân loại của Trung tâm bảo đảm khách quan, được các đơn vị Hải quan địa phương sử dụng gần như 100% để thông quan hàng hóa.

Trung tâm đã thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy và là lực lượng kiểm tra hàng hóa tinh nhuệ bằng khoa học, kỹ thuật cho các đơn vị Hải quan trong phân loại mã số hàng hóa. Đặc biệt là tuyệt đại đa số kết quả phân tích, phân loại của trung tâm đều được các doanh nghiệp chấp nhận, hạn chế khiếu nại tới mức thấp nhất.

Ngoài ra, trung tâm còn tham mưu đắc lực cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trong lĩnh vực phân loại mã số hàng hóa và đã có những đóng góp, tạo đối trọng với một số kết quả giám định không chuẩn xác ngoài ngành, phá bỏ thế phụ thuộc hoàn toàn nhiều năm trước đây của Hải quan vào những kết quả giám định như thế. Thực tế hoạt động của trung tâm trong 5 năm qua đã góp phần làm tăng thêm tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của ngành Hải quan, đồng thời góp phần tích cực vào công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Bài và ảnh: UYÊN PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.