.

Tìm việc làm cho người lao động

.

Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hàng chục doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI),  hoạt động trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất hàng may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử… thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động đã làm cho gần 3.000 lao động bị mất việc làm hoặc nghỉ chờ việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.

Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm.   

Khả năng trong thời gian tới, việc cắt giảm hợp đồng lao động tại một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục diễn ra, khiến hàng ngàn lao động lo lắng đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trước thực trạng trên, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đã đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu như đẩy mạnh việc đào tạo nghề ngắn hạn, phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm mới cho công nhân, lao động (CNLĐ) mất việc, đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, phần nào ổn định cuộc sống.

Trường Công đoàn miền Trung-Tây Nguyên do Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố trực tiếp quản lý theo ủy quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua đã nỗ lực vượt qua những khó khăn của ngày đầu thành lập như cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, đội ngũ giáo viên, cán bộ, chuyên viên còn thiếu, công tác chiêu sinh gặp khó khăn từ nhiều phía… thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình: đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn cho khu vực.
 
Từ đầu năm 2009 đến nay, trường đã tổ chức gần 10 lớp tập huấn kỹ năng công tác Công đoàn cho gần 1.000 lượt người, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ Công đoàn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề và tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm việc làm mới.

Từ đầu năm 2009 đến nay, trung tâm đã mở 4 lớp đào tạo nghề ngắn hạn gồm kỹ thuật hàn, điện lạnh, điện tử, may công nghiệp cho gần 200 học viên, phần lớn là công nhân, lao động mất việc làm và đang chuyển đổi việc làm khác. Những học viên này sau khi kết thúc khóa học đều tìm được việc làm phù hợp, thông qua kênh giới thiệu của trung tâm.

Phát huy kết quả trên, trung tâm sẽ tiếp tục mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí, nhằm giúp người lao động mất việc làm nhanh chóng học được nghề mới, thích nghi được môi trường làm việc để ổn định cuộc sống. Ngoài ra, đơn vị còn tư vấn việc làm, tư vấn nghề cho hơn 3.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho gần 300 người; trong đó có hơn 100 người đã tìm được việc làm phù hợp. Tuy nhiên, có thể thấy rằng con số đạt được là rất thấp so với nhu cầu bức bách của người lao động mất việc trên địa bàn thành phố đang ngày càng có xu hướng gia tăng.

Ông Hồ Quang Đồi, Hiệu trưởng Trường Công đoàn miền Trung-Tây Nguyên kiêm Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Công đoàn cho biết: Các cấp Công đoàn thành phố đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động phải thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương, tiền thưởng (nếu có), trợ cấp mất việc cho người lao động; giải thích để người lao động hiểu và cảm thông, chia sẻ với doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công trái luật.
 
Theo tinh thần đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trường Công đoàn miền Trung-Tây Nguyên và Trung tâm Giới thiệu việc làm Công đoàn sẽ nỗ lực hơn nữa để tiếp tục là bạn đồng hành của người lao động, tạo mọi điều kiện để người lao động có khả năng tìm kiếm việc làm trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay.

Bài và ảnh: NGỌC YẾN

;
.
.
.
.
.