.

Vì sao phải tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài?

.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1-5, lãi suất (LS) cơ bản 7%/năm vẫn được giữ nguyên. Thế nhưng trong thời gian gần đây, LS huy động tiền đồng ở hầu hết các ngân hàng (NH) đều rục rịch tăng dần, đặc biệt là ở kỳ hạn dài thì mức LS huy động đã được không ít NH “đẩy” lên 9,6%/năm.

Gửi càng dài, LS càng cao

Nhiều NH tăng LS huy động lên mức 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi tiền 36 tháng.

Sau khi cả 2 NHTM (HD Bank và Western Bank) gây sốc trên thị trường huy động vốn bằng tiền đồng với mức LS lên 9%/năm, cụ thể, HD Bank nâng mức LS huy động 9%/năm cho kỳ hạn gửi tiền từ 18 tháng trở lên, kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, các kỳ hạn trên 4 tháng thì mức LS cũng trên 8%/năm. Còn Western Bank thì có sản phẩm “Tiền gửi tiết kiệm siêu LS” dành cho khách hàng gửi tiền đồng với LS cho kỳ hạn 6 tháng là 8,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 8,5%/năm, kỳ hạn 13 và 18 tháng là 8,8%/năm còn kỳ hạn 24 tháng lên đến 9%/năm.

Tuy nhiên, mức LS huy động của 2 NH trên xem ra chỉ dẫn đầu trong khoảng thời gian ngắn khi đồng loạt một số NH đã đưa LS huy động tiền đồng lên đến 9,3%/năm. Chương trình gửi tiền “Cào trúng ngay, quà trao tay” vừa được NHTM Hàng hải (Maritime Bank) áp dụng triển khai với mức tiền gửi tối thiểu 5 triệu đồng, kỳ hạn 48 tháng, khách hàng được hưởng LS đến 9,3%/năm. Tương tự, LS huy động tiền gửi ở kỳ hạn 36 tháng của NH Sài Gòn - Hà Nội cũng được áp dụng 9,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 8,15%/năm. Hơn thế nữa, người gửi tiền còn có cơ hội nhận được nhiều phần quà hấp dẫn khi gửi tiền như máy vắt cam, bình đun siêu tốc…

Những tưởng mức LS huy động này tại thời điểm khi LS cơ bản vẫn giữ nguyên 7%/năm sẽ đứng đầu danh sách về mức LS huy động ở các NH, nhưng hiện các NH lại tiếp tục tăng LS huy động ở kỳ hạn 36 tháng lên đến 9,5 - 9,6%/năm.

Vì sao?

Theo ghi nhận của chúng tôi, biểu LS huy động ở các NH vào thời điểm này đều được điều chỉnh tăng LS ở các kỳ hạn gửi tiền dài (kỳ hạn gửi tiền 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng…). Còn đối với kỳ hạn gửi tiền từ 12 tháng trở xuống tương đối ổn định, xoay quanh mức 8%-8,5%/năm. Một câu hỏi được đặt ra: Khi LS cơ bản vẫn được giữ nguyên 7%/năm, nhưng LS huy động vẫn tiếp tục được NH điều chỉnh tăng mạnh, vậy đang có sự nghịch lý về thị trường tín dụng? Lý giải về vấn đề này, các NHTM đều cho rằng, việc điều chỉnh LS tập trung cho các kỳ hạn dài trong thời điểm này đều xuất phát từ yêu cầu của khách hàng về nguồn vốn vay hỗ trợ của Chính phủ ở kỳ hạn trung và dài hạn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù LS huy động ở kỳ hạn dài có sự điều chỉnh tăng trong thời gian qua, tuy nhiên các NH cũng rất cẩn trọng để tránh xáo trộn mặt bằng LS chung, vì thế nên nhiều NH lần lượt đưa ra thị trường các sản phẩm mang tính chiến lược trong ngắn hạn để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn trước mắt.

Theo bà Trần Thị Kim Ngân, Giám đốc Chi nhánh NHNN Đà Nẵng, đến hết tháng 3-2009, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố vẫn đạt gần 29 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm. Theo dự báo, bắt đầu từ tháng 5-2009, yêu cầu về vốn sẽ “nóng” hơn khi các khoản vay trung và dài hạn được bổ sung vào diện hỗ trợ LS, nên các NH điều chỉnh tăng LS huy động ở các kỳ hạn dài là điều dễ hiểu.
 
“Cũng có không ít người cho rằng, nếu các NH vẫn tiếp tục tăng LS huy động sẽ có thể xảy ra một cuộc “rượt đuổi” LS như trong năm 2008. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra, bởi hiện tại LS cơ bản vẫn được NHNN Việt Nam công bố giữ nguyên mức 7%/năm”, bà Ngân nhận định.
 
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.