.

Việc làm cho lao động vùng giải tỏa

.

Với hàng nghìn hộ sản xuất nông nghiệp mất đất canh tác, quận Cẩm Lệ đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động, bước đầu  đem lại kết quả khá lạc quan.

Hộ ông Lê Văn Giới chuyển sang trồng hoa, cây cảnh.

Chưa giải tỏa, nhưng gia đình ông Phạm Tại, ở tổ 6 phường Hòa Xuân đã có ý định chuyển sang nghề ươm trồng cây cảnh. Theo ông, chuyển đổi ngay từ bây giờ để khi Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân hình thành sẽ đáp ứng nhu cầu tại chỗ. “Đã là đô thị sinh thái, chắc chắn cây cảnh sẽ rất cần thiết”, ông Tại nghĩ vậy. Ông đầu tư cho số cây cảnh đã có và đang mở rộng quy mô ươm tạo các loài có giá trị. Theo ông, hiện tại thu nhập chưa đáng kể nhưng sau này sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Văn Cấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân cho hay: Hiện Hòa Xuân có hơn 90% hộ sản xuất nông nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, 42ha trong tổng số 360ha đất canh tác đã bàn giao mặt bằng cho các dự án. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn nông dân vẫn đang bám ruộng. Tuy vậy, hộ nào cũng đã có dự tính chuyển đổi ngành nghề. Không ít hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu xây dựng khu đô thị sinh thái như gạch lát vỉa hè, trồng cỏ, hàng mộc dân dụng...
 
Ở khu vực Cồn Dầu, ông Đặng Liệu đang xúc tiến việc thuê mặt bằng, huy động vốn để sớm cho ra đời cơ sở sản xuất gạch lát nền. Các hộ ông Lê Văn Giới ở tổ 2, Phạm Đình Phương ở tổ 6, Huỳnh Ngọc Hiển ở tổ 12... đang chuyển sang trồng hoa, cây cảnh. Tuy chưa nhiều, nhưng nhiều bà con Hòa Xuân có hướng chuyển đổi nghề phù hợp với khả năng của mình. Về phía Hội Nông dân, ngoài việc thành lập CLB sinh vật cảnh với 25 hội viên, đã khuyến cáo cho 150 hộ chuyên đánh bắt hải sản chuyển hướng làm ăn bằng cách đầu tư nâng cấp ghe thuyền đẹp, trang nhã để trong tương lai phục vụ du khách du lịch sông nước.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho hay: Thời điểm hiện tại, 80% số hộ dân trong tổng số 2.450 hộ thuộc diện di dời giải tỏa để nhường 848ha đất cho 13 dự án. Chuyển đổi ngành nghề đang là vấn đề được chính quyền, các tổ chức đoàn thể và từng hộ dân ở đây đặc biệt quan tâm. Hiện ở địa phương có 1.200 lao động trong độ tuổi, trong đó 446 người từ 18 đến 30 tuổi. Thời gian qua, có sự vào cuộc của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quận và Trung tâm Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thành phố, nhiều người đã tìm được việc làm mới, thu nhập ổn định.

Cụ thể như cô Tống Thị Ngọc Lan, ở tổ 26, đã xin được việc làm tại Trường mầm non Hương Sen; chị Phan Thị Huấn nhận nấu ăn cho các nhà hàng, đám tiệc... Hội Phụ nữ phường phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghề huyện Hòa Vang vừa mở lớp đào tạo nấu ăn cho 35 chị em. Với HTX DV nông nghiệp, sau khi đất nông nghiệp không còn, sẽ chuyển hướng sang sản xuất hàng mỹ nghệ xuất khẩu, kinh doanh các mặt hàng mà khu du lịch sinh thái cần.

Tại một cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu hút nhiều lao động.

Có thể nói, ở Cẩm Lệ, cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở đều quan tâm đến việc làm cho lao động vùng giải tỏa. Ông Hồ Văn Khoa, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận cho rằng: Việc làm cho nông dân sau khi đất canh tác bị thu hồi là vấn đề vô cùng nan giải. Chuyển đổi nghề gì, bằng cách nào là điều không hề đơn giản. Hiện tại quận chủ trương, sẽ tổ chức đào tạo nghề cho lao động trẻ (từ 18 đến 30 tuổi) sau đó giới thiệu vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn.
 
Vừa qua, Phòng phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thành phố đã tư vấn cho 310 người về định hướng nghề nghiệp, mở 2 lớp đào tạo nghề cho gần 80 người. Hiện tại, hàng chục người đã có việc làm mới như lái xe, vệ sĩ, thợ may, thợ cơ khí... Với lao động lớn tuổi sẽ tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, hỗ trợ vốn vay, tạo điều kiện về mặt bằng để họ chuyển sang buôn bán. Cùng theo đó, chính sách đền bù đã tính đến chuyển đổi nghề, từng hộ có điều kiện tự kiếm cho mình nghề mới sau khi không còn sản xuất nông nghiệp.

Sau vụ đông xuân bội thu với năng suất lúa 64 tạ/ha, nông dân Hòa Xuân đang tập trung cho sản xuất vụ hè thu. Với họ, giải tỏa di dời sẽ đến trong nay mai, vậy nhưng mọi nhà đều có tính toán để chuyển đổi việc làm thành công. Ngoài nỗ lực của mỗi nhà, có sự quan tâm hỗ trợ chu đáo của chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và cơ quan chức năng. Tin tưởng rằng, với bước đi thích hợp, Cẩm Lệ sẽ là điểm sáng về tạo việc làm cho lao động vùng giải tỏa.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.