.

Cơ hội để Đà Nẵng phát triển giao thông

.

Khoảng 10 năm trước, muốn đi xuyên qua các tỉnh miền Trung bằng ô-tô thì phải mất trên 72 tiếng đồng hồ, nhưng bây giờ, thời gian đã rút xuống khoảng 1/3. Không những thế, việc đồng loạt các dự án giao thông của miền Trung đã và chuẩn bị hoàn thành sẽ khớp nối những huyết mạch cuối cùng.  Không lâu nữa, giao thông của khu vực sẽ đảm nhận tốt vai trò đòn bẩy cho nền kinh tế các tỉnh miền Trung phát triển và hội nhập.

Được mùa dự án giao thông đường bộ

Quốc lộ 1A đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước được mở rộng, đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Có thể nói, chưa lúc nào ngành Giao thông-Vận tải miền Trung lại được mùa “bội thu” các công trình như lúc này. Đầu tiên phải kể đến trục “xương sống” là quốc lộ 1A qua các tỉnh miền Trung đã được nâng cấp, sửa chữa toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với quy mô 2 làn xe (một số đoạn đường tránh đi qua các tỉnh, thành phố được mở rộng đến 4-6 làn xe), đã làm thay đổi diện mạo giao thông toàn khu vực.
 
Đặc biệt, việc đường Hồ Chí Minh hoàn thành giai đoạn một không những góp phần giảm tải đáng kể cho quốc lộ 1A mà còn tạo thành bộ khung để phát triển thêm  trục đường “xương cá” nối hai trục đường chính với nhau. Những năm qua, Bộ Giao thông-Vận tải đã dành nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư hàng loạt tuyến đường theo trục Đông-Tây, nối liền núi và biển. Đến nay đã hoàn thành việc nâng cấp các tuyến đường có sẵn như quốc lộ 9, 12, 49B, 14D, 14E, 14B… bên cạnh đó tiếp tục khởi công các tuyến đường mới như quốc lộ 7, 25, 27, 27B, 28, 40…

Trong số này, có một số tuyến đường được kỳ vọng là sẽ trở thành cú hích cho nhiều khu vực vốn có tiềm năng nhưng chưa thể phát triển vì hạ tầng giao thông gần như chưa có gì. Điển hình là tuyến quốc lộ 24 dài 168km nối từ Thạch Trụ, tỉnh Quảng Ngãi đến Kon Tum, vừa được Bộ Giao thông - Vận tải quyết định nâng cấp mở rộng; quốc lộ 49A dài 75km đang trong giai đoạn lập dự toán với nguồn kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng để nâng cấp trở thành đường cấp 4.

Đáng lưu ý nhất là tuyến đường dài 248km nối từ cảng Quy Nhơn - Bình Định đến cửa khẩu Lệ Thanh - Gia Lai, hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị để khởi công vào cuối năm nay. Giai đoạn 2 của tuyến Nam Quảng Nam-Đăk Tô dài trên 200 km với nguồn kinh phí trên 2 nghìn tỷ đồng, được xem là dự án mang tính đón đầu, đồng thời hỗ trợ cho cả ba thị trấn nằm trên trục đường này phát triển.
 
Đặc biệt, đường ven biển kết nối các tỉnh duyên hải miền Trung được các địa phương rất nhiệt tình ủng hộ. Hiện nay, các địa phương trong khu vực như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều có tuyến đường chạy ven biển và công việc còn lại là khớp nối các con đường này cũng đã nhận được sự đồng thuận từ Bộ Giao thông-Vận tải.

Cơ hội của Đà Nẵng

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Trần Doãn Thọ, với những gì đang diễn ra, chỉ 5 năm nữa, khi các dự án cùng về đích thì giao thông miền Trung sẽ nối thông tất cả địa phương. Điều này rất tốt cho cả khu vực, tuy nhiên, Đà Nẵng với vị trí đầu mối của mình sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
 
Với hệ thống giao thông lan tỏa khắp các tỉnh, thành phố, nhất là bao trùm hết các tỉnh Tây Nguyên thì Cảng Đà Nẵng chính là cửa ngõ rất thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu. Với hệ thống đường giao thông đã và đang được thi công như hiện nay, theo tính toán của các nhà vận chuyển, ở bất cứ một huyện nào ở miền Trung cũng có được trục đường để vận chuyển hàng hóa về Cảng Đà Nẵng. Hệ thống đường tốt, xe tốt như hiện nay nếu ở khoảng cách  500km thì chỉ trong một ngày, hàng hóa sẽ cập Cảng Tiên Sa để xuất đi các nước khác trên thế giới.

Về vận tải trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, có thể nói rào cản lớn đã được tháo gỡ để hàng hóa các nước qua lại thuận lợi hơn. Đó là sự kiện các nước trong khu vực đã chính thức trao đổi quyền tham gia giao thông và hệ thống quá cảnh hàng hóa trên các cửa khẩu thuộc Hành lang Kinh tế Đông Tây:

Lao Bảo (Việt Nam)-Densavan (Lào) và Savanakhet (Lào)-Kudahal (Thái Lan). Với ký kết này, từ đây xe chở hàng hóa các nước Việt Nam-Thái Lan có thể đi vào lãnh thổ của nhau để giao nhận hàng, thay vì phải bốc dỡ hàng để trung chuyển khi qua đất Lào như trước đây. Nhờ vậy, hàng hóa đi qua tuyến hành lang này không những rút ngắn được thời gian đáng kể, mà chi phí vận chuyển cũng giảm rất nhiều.
 
Đây là những yếu tố trước đây đã được nhận diện là rào cản để hàng hóa các nước trong khu vực khó có thể xuất qua Cảng Tiên Sa của Đà Nẵng. Theo dự kiến, trong năm nay sẽ có khoảng trên 1.000 phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa sau sự kiện này. Cảng Tiên Sa đang đứng trước cơ hội lớn, vấn đề hiện nay là chúng ta tận dụng cơ hội này đến đâu mà thôi.

Thanh Vân

;
.
.
.
.
.