Theo đánh giá, ngân hàng là một trong những ngành ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tốt nhất hiện nay, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho hoạt động của ngành nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung. Với hạ tầng CNTT tương đối đồng bộ, hiện đại, trong nhiều năm qua, hoạt động của ngành ngân hàng đã có sự bứt phá mạnh mẽ về lĩnh vực này.
Các ngân hàng đã trang bị đủ máy vi tính cho tất cả cán bộ, nhân viên. |
Xác định được lợi thế từ việc ứng dụng công nghệ và đổi mới công nghệ là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển, tạo nền móng cho phát triển bền vững hệ thống ngân hàng; mặt khác, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đặt ra thách thức buộc các ngân hàng phải thay đổi để thích ứng với điều kiện mới nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ mở rộng dịch vụ ngân hàng và mở rộng thị trường.
Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đã mạnh dạn đầu tư mới các trang thiết bị hiện đại để hoạt động như: Sacombank đầu tư hệ thống phần mềm ngân hàng “lõi” làm nền tảng để quản lý toàn bộ hoạt động, từ quản lý thông tin khách hàng, quản lý các chi nhánh, thanh toán, đến cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng… DongABank, Techcombank, ACB, ABBank… đã đầu tư phát triển mạnh hệ thống thẻ, hệ thống thanh toán trực tuyến; HDBank đã đầu tư phần mềm Symbols của Tập đoàn Sungard System Access (Singapore) làm nền tảng công nghệ cho hoạt động của mình…
Ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến trên đã giúp các ngân hàng đẩy mạnh nghiệp vụ thanh toán quốc tế, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, phát hành thẻ thanh toán nội địa và quốc tế, mở rộng dịch vụ Internet banking, Home-banking... Từ đó để có thể xây dựng dựng mô hình quản lý ngân hàng tập trung, chuyên nghiệp phục vụ cho việc phát triển nhanh và bền vững của ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Hiện tại trong hệ thống ngân hàng, tỷ lệ máy tính trên đầu người đạt tới 80%; trong đó 98% máy tính được kết nối mạng, 57% có kết nối băng thông rộng. Khoảng 92/97 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai ứng dụng công nghệ về hệ thống ngân hàng lõi (core banking) và công nghệ thẻ tín dụng (credit card). Hệ thống máy ATM đã lên đến 8.500, máy POS là 27.000, thanh toán qua thẻ có tốc độ tăng trưởng 46%/năm.
Trên 50% TCTD trong nước cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại như Internet banking, Home banking, SMS banking, Mobile Banking... Đặc biệt, với hệ thống thanh toán online hiện đại đã góp phần làm giảm thanh toán tiền mặt từ 22,5% (năm 2002) xuống 14% (2008). Riêng tại Đà Nẵng, số lượng máy ATM đã đạt xấp xỉ 250 máy, máy POS là 612 và gần 560.000 thẻ.
Tuy nhiên, việc phát triển, ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng hiện cũng còn không ít khó khăn, hạn chế do trình độ ứng dụng CNTT không đồng đều; nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng yêu cầu; chi phí đầu tư cao; tính liên kết và đồng bộ giữa các ngân hàng còn thấp. Đồng thời, các ngân hàng trong nước đang gặp sức ép cạnh tranh rất lớn từ các TCTD nước ngoài. Để có thể đi xa hơn trong tiến trình hội nhập, các ngân hàng phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc đổi mới, hiện đại hóa hoạt động ngân hàng có ý nghĩa hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho công tác điều hành, quản trị rủi ro, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, mức độ an toàn, bảo mật hệ thống của các hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, các ngân hàng cần đẩy mạnh đầu tư phát triển các công nghệ mới, hiện đại để phát triển bền vững; đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ mới có tính sáng tạo, hiệu quả cao; mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại. Đó chính là yếu tố làm tăng thêm uy tín, thị phần, để thu hút đầu tư, làm tăng lợi nhuận cho ngân hàng.
Bài và ảnh: Thành Lân