.

Gian lận trong dán nhãn hàng hóa

.

Gian lận trong dán nhãn hàng hóa là hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh. Với thủ đoạn “thay tên đổi họ” các sản phẩm nhập khẩu, nhiều mặt hàng bị đánh tráo nhãn mác. Hành vi này tuy không mới, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn bị đánh lừa...

Mỗi quầy có hàng trăm mẫu quần áo, làm sao để nhận biết đâu là hàng nội, đâu là hàng Trung Quốc?

Gần đây, hàng loạt các sản phẩm trong nước bị phát hiện dùng bao bì, vỏ nhãn giả. Tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện một điểm làm giả thuốc tây với số lượng lớn tại quận Tân Phú. Khi cơ quan chức năng có mặt, một số công nhân của cơ sở này đang lột các nhãn thuốc có nguồn gốc tại Việt Nam để dán nhãn mác của Pháp lên bao bì.
 
Tương tự hành vi gian dối về nhãn mác, tại Thanh Hóa, Công an đã bắt quả tang gần 1.000 bao phân đạm xuất xứ từ Trung Quốc được các nhân viên Xí nghiệp Thiên Nông đóng vào bao bì phân Đạm Phú Mỹ để lừa nông dân. Tại Đà Nẵng, chỉ trong vòng nửa tháng ra quân đợt cao điểm (từ đầu tháng 6 đến nay), QLTT thành phố đã kiểm tra 112 vụ, xử lý 34 vụ vi phạm với số tiền phạt gần 20 triệu đồng. Đáng chú ý, tình hình vi phạm trong buôn bán hàng Trung Quốc như quần áo, đồ chơi trẻ em có dấu hiệu tăng lên, vi phạm phổ biến vẫn là nhãn mác.
 
Trong số hàng chục điểm kinh doanh vi phạm tại các chợ, cửa hàng bán lẻ tại các quận nội thành cho thấy, các hộ kinh doanh luôn tìm cách đối phó với cơ quan chức năng. Cụ thể, với các sản phẩm quần áo của Trung Quốc, người bán in thêm nhãn “Made in Vietnam”. Cơ quan chức năng còn phát hiện tại nơi bán hàng, nhiều hộ còn có sẵn cả bọc ni-lông nhãn mác hàng Việt Nam nhưng không chứng minh được nguồn gốc.
 
Thông tin chúng tôi có được trong những ngày này, tại một số chợ lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, Hòa Khánh, sản phẩm hàng Trung Quốc (nhiều nhất là quần áo người lớn và giày dép, nịt lưng, nơ cài, kẹp tóc...), đều do các đầu nậu thu mua bên kia biên giới chuyển về, trong đó có cả hàng Quảng Châu và Quảng Đông.
 
Một hộ kinh doanh đã từng buôn bán ở chợ Cồn cho biết, trước đây, thông qua người quen, chị thường lên Lạng Sơn rồi qua Trung Quốc để lấy hàng về bỏ mối cho các điểm kinh doanh lẻ trên đường Hùng Vương. Muốn có lời thì mua hàng từ hai vùng này vì giá rẻ hơn 4-5 lần so với hàng Hồng Kông, Đài Loan hay các thành phố lớn khác của Trung Quốc.
 
Chị so sánh, các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc cũng giống như Việt Nam, sản phẩm có thương hiệu bao giờ cũng đắt, nhưng ngược lại, hàng rẻ là do các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ làm ra. Ví dụ, nếu là hàng Sài Gòn giá một cái áo thun tới 80.000 đồng, nhưng cũng cái áo thun của Trung Quốc thì chỉ có 40.000 đồng, điều này đã làm cho một số sạp kinh doanh hàng trong nước chết đứng bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Ông NGUYỄN NHO HẬU, Chi cục phó Chi cục QLTT thành phố: Thực hiện công văn chỉ đạo của BCĐ 127/TW và BCĐ 127/TP, QLTT thành phố đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng vừa tiến hành lấy mẫu 10 cơ sở kinh doanh hàng Trung Quốc trên địa bàn, trong đó có 5 mẫu quần áo may sẵn, 4 mẫu đồ chơi trẻ em và 1 mẫu đồ lót để gửi đi xét nghiệm.

Theo ông Hậu, việc xét nghiệm các mẫu sản phẩm này rất tốn kém và cũng mất nhiều thời gian. Mẫu đã gửi đi được gần 10 ngày, trong vài ngày tới sẽ có kết quả. Trong thời điểm này, người dân nên chọn những loại hàng hóa được sản xuất từ những cơ sở có uy tín, đủ độ tin cậy.

Theo thông tin từ một người từng buôn bán lâu năm tại chợ Hòa Khánh tiết lộ rằng: Hàng lấy từ Sài Gòn nhưng chưa chắc phải là hàng nội. Nắm được tâm lý lo lắng của người dân về sản phẩm quần áo Quảng Đông có chất gây hại, nhiều đầu nậu nhập vải vóc từ Trung Quốc về Việt Nam đã thuê nhân viên thiết kế nhiều mẫu mã, sau đó đặt cơ sở chuyên thêu, dập hoa văn, nhái tên các công ty trong nước đính lên sản phẩm mới tung ra thị trường.

Điều này lý giải tại sao hiện nay, quần áo Trung Quốc núp bóng nhiều tên tuổi của Việt Nam chiếm số lượng lớn, khoảng 70-80% tổng lượng hàng trong nước nhưng vẫn được đón nhận, bởi nhiều người không thể phân biệt được đâu là vải Trung Quốc, đâu là vải sản xuất trong nước được may ra. Lợi dụng điều này, tiểu thương ra sức giới thiệu rằng đây là hàng của Sài Gòn, Thái Lan, Hồng Kông... Chỉ là một miếng vải rẻo được dập nhãn “Made in Vietnam” đính vào hàng của Trung Quốc, vẫn  “móc túi” được người tiêu dùng.

Để xử lý hàng Trung Quốc là chuyện không dễ. Một cán bộ QLTT thừa nhận: Nắm được thông tin có đợt kiểm tra sản phẩm may mặc Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, hầu hết tiểu thương các chợ đã giấu hàng, gây khó khăn cho việc kiểm tra.
 
Tuy nhiên, nổi lên trong đợt này là việc hộ kinh doanh gỡ bỏ nhãn có chữ Trung Quốc trên các loại quần áo rồi gắn nhãn mới in bằng chữ vi tính “Made in Vietnam” đã che mắt được nhiều khách hàng và đến cả cơ quan chức năng cũng khó phân biệt đâu là hàng trong nước sản xuất và đâu là hàng Trung Quốc, trừ khi đem mẫu kiểm nghiệm.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.