.

Hồi phục một nhà máy

.

Ngay sau khi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2001, Nhà máy Cơ khí ô-tô Đà Nẵng đã có hàng loạt dự án, trong đó có dự án lắp đặt dây chuyền sản xuất xe ca, xe buýt, xe tải các loại và đã được Bộ Công nghiệp phê duyệt, UBND thành phố ủng hộ, Quỹ Đầu tư phát triển cho vay để đầu tư. Đây là sự đầu tư đúng hướng theo lộ trình Nghị định 90/CP của Chính phủ và một tương lai đầy hứa hẹn của nhà máy đang ở phía trước. Thế nhưng...

Giải quyết tồn đọng...

Một mẫu xe tải mới do công ty đóng đang được tiêu thụ mạnh

Chính từ thời điểm này, nhà máy đã phải thực hiện hàng loạt các chủ trương lớn của thành phố về việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp với việc nhập gần như đồng thời các cơ sở rệu rã, thua lỗ của 3 nhà máy lớn, đó là Nhà máy Cơ khí Đà Nẵng, Nhà máy Điện cơ Đà Nẵng và Nhà máy Xe đạp Đà Nẵng, để mang một tên gọi mới: Công ty Cơ khí ô-tô và Thiết bị điện Đà Nẵng. Chỉ riêng số nợ của các nhà máy này mà công ty “phải gánh” lên tới gần 10 tỷ đồng.
 
“Tài sản” duy nhất mà các đơn vị này nhập về là những truyền thống của một thời oanh liệt, làm đẹp thêm Phòng truyền thống của công ty. Thêm vào đó, từ năm 2001 đến nay, công ty phải thực hiện chủ trương giải tỏa di dời 3 cơ sở, kể cả trụ sở chính, để phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị của thành phố. Công ty lập kỷ lục: chỉ trong vòng 7 năm đã phải 4 lần di dời cơ sở sản xuất và 3 lần giải tỏa trên 10 ha diện tích là cơ sở sản xuất và trụ sở công ty, nhưng chỉ có trụ sở chính (chiếm 20% diện tích phải giải tỏa) được hỗ trợ tiền đất.

Việc di dời đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển sản xuất và mất đi nhiều cơ hội của công ty trong những năm qua. Trong đó đáng kể nhất có dây chuyền lắp ráp ô-tô các loại nói trên lắp đặt gần xong, chưa đi vào hoạt động phải di dời, giải tỏa. Vốn lưu động và vốn cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển phải sử dụng hầu hết vào việc xây dựng cơ sở mới và trả nợ ngân hàng cho các khoản nợ của 3 nhà máy nhập vào công ty. Khó khăn càng thêm khó khăn.

Do vậy, đến khi lắp đặt xong dây chuyền lắp ráp ô-tô, công ty không còn vốn lưu động để sản xuất, có lúc ngân hàng ngừng cho vay, nhiều hợp đồng do không có vốn đã không thực hiện được. Đặc biệt, hơn một nửa số công nhân, trong đó nhiều công nhân có tay nghề cao đã ra đi hoặc xin nghỉ chế độ. Chỉ riêng việc phục vụ cho công tác giải tỏa, di dời và giải quyết chế độ cho công nhân nghỉ việc phải giao hẳn cho một Phó Giám đốc chuyên trách, cho thấy việc giải tỏa, di dời và giải quyết những tồn đọng của 3 cơ sở khi nhập vào công ty đã chi phối hầu như gần hết việc làm chính của công ty trong suốt 7 năm qua.

Chủ trương nhập các cơ sở cơ khí vào một đầu mối để tăng sức cạnh tranh, chuẩn bị cho thời kỳ hội nhập là đúng và lâu dài. Tuy nhiên, do các chính sách và sự hỗ trợ cần thiết kèm theo chưa đủ và không đồng bộ, chẳng hạn như chỉ hỗ trợ 1/5 diện tích phải di dời và liên tục phải di dời, giải tỏa làm cho công ty luôn trong tình trạng bất an thì khó có thể phát triển sản xuất, cho dù trước đó công ty là một đơn vị năng động, sáng tạo. Việc công ty duy trì được sản xuất, giữ được thương hiệu của các sản phẩm nổi tiếng đã làm lên danh tiếng của một đơn vị Anh hùng đến nay cũng là cả một kỳ tích.
 
Vượt khó vươn lên

và mẫu xe buýt đang được nhiều địa phương chọn mua.

Dù khó khăn trăm bề nhưng cùng với sự hỗ trợ tích cực của thành phố, của Tổng Công ty Công nghiệp ô-tô, công ty quyết tâm phục hồi lại ngành cơ khí của thành phố. Đến nay, công ty đã có cơ ngơi đàng hoàng, với dây chuyền lắp ráp ô-tô đồng bộ, những cơ sở sản xuất các mặt hàng truyền thống ngày càng hiện đại và một đội ngũ cán bộ, công nhân hết lòng vì sự phát triển của công ty.

5 tháng đầu năm 2008, tuy không nhiều nhưng công ty vẫn nhận được đơn đặt hàng các sản phẩm truyền thống như ô-tô và các sản phẩm của ngành y tế, các sản phẩm inox. Tháng 4-2009, công ty đã đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng. Hiện công ty là một đối tác quan trọng, đáng tin cậy của hàng loạt các dự án sản xuất xe buýt của nhiều địa phương trong cả nước, nhất là dự án đóng mới hàng chục xe buýt của thành phố Đà Nẵng, của tỉnh Quảng Nam và nhiều hạng mục công trình trọng điểm của thành phố như lan can cầu Thuận Phước… Công ty đang nỗ lực lấy lại hình ảnh sau những thăng trầm đã qua.

Ông Hoàng Hồng Khanh, Phó Giám đốc công ty cho biết: Được sự hỗ trợ của thành phố, của Tổng Công ty, các ngành chức năng, nhất là ngân hàng và sự tín nhiệm của khách hàng, công ty tự tin bước vào thực hiện kế hoạch năm 2009 với nhiều dự định khả quan. Trong đó có các chỉ tiêu chủ yếu như đóng mới vỏ xe và xe mới khoảng 250 ô-tô, đại tu 100 ô-tô và hàng chục ngàn các sản phẩm truyền thống khác với doanh thu dự kiến đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía trước công ty vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là hậu quả nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho việc tiêu dùng bị hạn chế… Công ty rất cần sự quan tâm hơn nữa của UBND thành phố, của các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho công ty phát triển, bởi sẽ gìn giữ và phát huy ngành cơ khí truyền thống và cũng là một ngành công nghiệp đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế thành phố trong tương lai.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.